Trước diễn biến giá cước vận tải với hàng xuất nhập khẩu tăng liên tục thời gian qua, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải biển cho rằng hợp đồng xuất khẩu đã ký, nay dù cước phí tăng doanh nghiệp vẫn phải xuất bởi nếu không giao hàng đúng hẹn sẽ bị phạt, đền hợp đồng. Doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình thế không được lựa chọn vì đội tàu trong nước hoàn toàn không có khả năng gây ảnh hưởng lên thị trường vận tải xuất nhập khẩu với hàng Việt Nam.
Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, hiện nay đội tàu trong nước chỉ đảm đương được 8% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Chưa kể đa số vẫn chưa tham gia các tuyến đi các thị trường chính của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tàu biển trong nước còn đang đứng trước bài toán kinh doanh thua lỗ, phải bán tàu trả nợ.
Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu mới đây của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, nhiều hiệp hội ngành nghề đã có báo cáo cước vận chuyển tăng rất mạnh. Một số hãng tàu tăng cước vượt mức tác động của giá dầu, đơn phương áp đặt mức cước phí mới. Giải pháp đặt ra là các tổ chức như Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nội lực và tiến hành đàm phán với hãng tàu.
Xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm 2023. Tuy tăng trưởng mạnh nhưng muốn bền vững, cần bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và quan tâm xây dựng thương hiệu cho ngành dừa.