Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy - Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Theo Báo cáo của UBND huyện Chiêm Hóa, toàn huyện hiện có 6 trường THPT và 52 trường phổ thông trực thuộc. Những năm qua, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tới cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và Nhân dân trên địa bàn. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được huyện rà soát, sắp xếp theo hướng hợp lý, hiệu quả. Công tác quản lý có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực; nền nếp, kỷ cương học đường được duy trì, giữ vững.
Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông, ngành giáo dục huyện đã tập trung cao, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học; tích cực đổi mới nội dung, lựa chọn hình thức kiểm tra; công tác chấm điểm, đánh giá cũng được thực hiện theo định hướng chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh và theo đúng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Tại buổi làm việc, cùng với đánh giá cao những kết quả ngành giáo dục huyện đã đạt được, các thành viên Đoàn giám sát cũng đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: đội ngũ giáo viên còn thiếu; còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu giáo viên các môn học; năng lực thực tế của một số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, cơ sở vật chất ở một số trường học còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc cung ứng sách giáo khoa ở một số đơn vị, một số đầu sách giáo khoa còn thiếu và chưa kịp thời. Công tác in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn chậm so với chương trình học...
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy đề nghị: huyện Chiêm Hóa tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, học sinh ở các vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Rà soát, cân đối, sắp xếp, bố trí đủ và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là các bộ môn tổ hợp…