Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số toàn diện của nhà trường, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu và kết nối thực tiễn. Đồng thời, khẳng định vị thế tiên phong của Trường Đại học Thủy lợi trong việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động giáo dục đại học.
Tất cả đều được số hóa chi tiết và sống động


GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi khẳng định, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, việc số hóa toàn bộ không gian và hạ tầng đại học là yêu cầu tất yếu, giúp nâng cao trải nghiệm người học, tăng tính minh bạch trong quản lý và kết nối hiệu quả với xã hội.
Hệ thống Virtual Tour ra mắt là minh chứng cụ thể cho cam kết của Trường Đại học Thủy lợi trong việc tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý.
Hệ thống này do Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi triển khai, cho phép người xem có thể tham quan toàn cảnh Trường Đại học Thủy lợi qua không gian 3D thực tế ảo, từ giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm đến khu ký túc xá, khu thể thao và cơ sở nghiên cứu.
Tất cả đều được số hóa chi tiết và sống động, góp phần giới thiệu nhà trường đến học sinh, phụ huynh trong và ngoài nước. Đồng thời, mở rộng kết nối với cộng đồng cựu sinh viên, đối tác doanh nghiệp, cơ quan quản lý và xã hội.
Tại sự kiện, đại diện Portcoast đã giới thiệu các công nghệ hiện đại được áp dụng trong quá trình xây dựng mô hình số tại Trường Đại học Thủy lợi, trong đó nổi bật là công nghệ BA-D laser scan với khả năng quét hơn 2 triệu điểm mỗi giây, cho phép tái hiện chính xác địa hình và công trình.
Cùng với đó là thiết bị USB mobile mapping hỗ trợ khảo sát động, công nghệ ảnh vệ tinh, nền tảng dữ liệu dùng chung (CDI), môi trường tích hợp các cảm biến (sensor) phục vụ phân tích kết cấu, biến dạng công trình, các ứng dụng thực tế ảo (AR), học máy (ML), mô hình song sinh kỹ thuật số (digital twin) và công nghệ quản lý công trình trên nền tảng đám mây. Tất cả đã được kiểm định, chứng nhận về hiệu quả và độ chính xác bởi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nhờ việc triển khai các công nghệ tiên tiến này, toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Đại học Thủy lợi đã được số hóa đồng bộ qua hai đợt thực hiện, trở thành một trong các trường đại học đầu tiên trong khối các trường kỹ thuật tại Việt Nam có mô hình Virtual Tour hiện đại, thực chất và chuyên sâu như hiện nay.
Trường Đại học Thủy lợi và Portcoas ký kết thỏa thuận hợp tác
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Thủy lợi và Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast).


Theo đó, hai bên thống nhất hợp tác trong các nội dung như: tư vấn và định hướng triển khai công nghệ số, xây dựng mô hình đào tạo kết hợp thực hành thực tế ảo, tổ chức các khóa học chuyên đề về BIM - GIS - AR - ML, đào tạo và nâng cao năng lực cho giảng viên, cán bộ kỹ thuật của Trường Đại học Thủy lợi, phối hợp triển khai các dự án trong nước và quốc tế, tạo cơ hội việc làm và phát triển nhân lực chất lượng cao cho sinh viên Trường Đại học Thủy lợi tại Portcoast và các đơn vị đối tác,...
Ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Portcoast nhấn mạnh, sự hợp tác giữa hai đơn vị không chỉ mang tính chiến lược mà còn xuất phát từ sự tin cậy và gắn bó lâu dài. Các bên cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ và tri thức, nhằm góp phần đào tạo thế hệ kỹ sư, chuyên gia am hiểu thực tế và làm chủ công nghệ hiện đại.

Được biết, việc Trường Đại học Thủy lợi khai trương hệ thống Virtual Tour và ký kết thỏa thuận hợp tác với Portcoast là bước đi chiến lược nhằm cụ thể hóa định hướng xây dựng đại học thông minh, tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy gắn với thực tiễn; thực hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà trường trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đây cũng là hành động thiết thực hưởng ứng tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học, phù hợp với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại công nghiệp 4.0.


Cũng tại sự kiện, Portcoast đã giới thiệu và tặng sách chuyên khảo "Cảng biển vùng cửa sông: Nghiên cứu và thực tiễn" tới Trường Đại học Thủy lợi.
Đây là công trình khoa học của nhóm tác giả GS.TS Lê Phương Hậu, Cố vấn khoa học của Portcoast, nguyên là Chủ nhiệm bộ môn Xây dựng cảng - đường thủy, Phó Chủ nhiệm khoa Xây dựng Công trình thủy, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cảng - đường thủy, thềm lục địa Việt Nam; TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Portcoast và kỹ sư Trần Phúc Minh Khôi, cán bộ Portcoast.
Cuốn sách không chỉ tổng kết kinh nghiệm nghiên cứu và triển khai hàng chục năm của các chuyên gia trong ngành kỹ thuật biển và công trình giao thông thủy mà còn là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Thủy lợi.
Sự kết hợp giữa lý thuyết chuyên sâu và thực tiễn phong phú trong nội dung cuốn sách đã tạo nên sự đồng thuận, đánh giá cao từ các thầy cô, nhà khoa học tham dự chương trình.