Theo đó, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ bãi bỏ một cơ chế được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm qua, là cho phép những người di cư không thuộc Liên minh châu Âu (EU) không có hợp đồng lao động chuyển đến Bồ Đào Nha và được đệ đơn cấp quy chế hợp pháp, nếu họ đã làm việc ít nhất một năm và đã đóng góp cho an sinh xã hội của nước này.
Việc chấm dứt cơ chế đã được Tổng thống Bồ Đào Nha ban hành nói trên đồng nghĩa người di cư phải có hợp đồng lao động trước khi chuyển đến nước này. Quốc gia này ưu tiên nhập cảnh đối với các chuyên gia có trình độ, sinh viên, người đến từ các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha và những người muốn đoàn tụ với gia đình. Chính phủ Bồ Đào Nha không cung cấp thông tin chi tiết về loại “bằng cấp” mà họ đề cập đến.
Theo Montenegro, Bồ Đào Nha hiện có khoảng 400.000 quy trình chính quy đang chờ xử lý, một vấn đề mà chính phủ hy vọng sẽ giải quyết bằng cách thành lập một lực lượng đặc nhiệm, tái cơ cấu cơ quan biên giới và di cư mới thành lập cũng như tăng cường nhân viên.
Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia có chính sách di cư cởi mở nhất châu Âu, dù người di cư từ lâu phàn nàn về sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc xin cấp quyền cư trú và các giấy tờ khác. Dù vậy, số liệu cho thấy người nước ngoài ở Bồ Đào Nha đã tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm, đạt 1 triệu người vào năm 2023, chiếm 1/10 tổng dân số nước này, trong đó nhiều người từ Nam Á đến Bồ Đào Nha làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và kinh doanh nhà hàng chiếm đa số.
Khoảng 14% người nộp thuế ở nước này là người nhập cư, đóng góp hơn 1,6 tỷ euro cho nền kinh tế Bồ Đào Nha vào năm 2022, đồng thời nhận được khoảng 257 triệu Euro phúc lợi xã hội.
Thủ tướng Bồ Đào Nha cho biết, mặc dù người nhập cư có đóng góp đáng kể nhưng họ thường bị bấp bênh về công việc và nhận mức lương thấp hơn. Trong báo cáo vào năm 2023, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết một số lĩnh vực sẽ gặp khó khăn nếu không có lao động nước ngoài.