Cần bao quát hết các nền tảng, phương thức truyền thông hiện hành
Hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng-rôn, báo in, báo nói, báo hình…) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…).
Do vậy, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung vào dự thảo Luật quy định chung về quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng; yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào nước ta, cũng như bổ sung định nghĩa về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dự thảo Luật mới tập trung điều chỉnh với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, chưa bao quát được hoạt động quảng cáo khác trên không gian mạng nói chung. Thực tế đang đòi hỏi không chỉ quản lý với quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram, mà còn cần quản lý cả với quảng cáo trên các hình thức qua thư điện tử, email, các thiết bị viễn thông (tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến). Nêu vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị sửa đổi tên và các nội dung tại khoản 11, Điều 1 dự thảo Luật để nhận diện bao quát hơn về hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, dự lường những phát sinh trong thực tiễn và tương lai; đồng thời, rà soát quy định liên quan tại dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Luật An ninh mạng.
Dẫn quy định tại khoản 22, Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với quảng cáo trên mạng xã hội là chưa thực sự đầy đủ, chưa bao quát hết các nền tảng, phương thức truyền thông đang có, nhất là trên các kênh bán hàng trực tuyến. Thực tế đang quảng cáo diễn ra trên diện rộng, thường xuyên, liên tục trên kênh như shopee, lazada, grab… Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, bổ sung quy định rõ hơn về khái niệm “không gian mạng” tại dự thảo Luật để bảo đảm quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, làm căn cứ để quy định quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Tránh để xảy ra “xem phim thì ít, xem quảng cáo thì nhiều”
Tại Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, để cân bằng lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 22 về quảng cáo trong chương trình phim truyện theo hướng: mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút.
Đối với quảng cáo trên môi trường mạng, dự thảo Luật sửa đổi quy định theo hướng nêu rõ những quảng cáo không ở vùng cố định sẽ phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp.
Băn khoăn với những quy định nêu trên tại dự thảo Luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi “Luật Quảng cáo hiện hành cho phép tắt quảng cáo trong 1,5 giây, bây giờ nâng thời gian tắt quảng cáo lên dựa vào lý do nào?”
Đối với việc tăng số lần quảng cáo trên các chương trình truyền hình, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định này trong mối tương quan với quyền lợi của người tiêu dùng, vì người tiêu dùng trên thực tế đã phải trả một khoản phí internet và phí dịch vụ.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, quy định thời gian tắt quảng cáo tại Luật Quảng cáo năm 2012 đã làm độc giả bức xúc, nên khi tăng thời gian tắt quảng cáo lên gấp 4 lần như phương án được Chính phủ trình phải cân nhắc. Ông cũng lo ngại quy định phim truyện dưới 30 phút thì được ngắt 2 lần và cứ sau 15 phút thì không được quảng cáo quá 5 phút sẽ khiến người dân rơi vào tình trạng “xem phim thì ít nhưng xem quảng cáo thì nhiều”.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có phương án xử lý với hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài xuyên biên giới có phát sinh doanh thu để tránh thất thu thuế, phí. Cùng với đó, xác định rõ nội dung này quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hay ở các luật về thuế. “Có những quảng cáo trên trang tiktok cá nhân thu được hàng trăm triệu đồng một tháng chứ không phải ít. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành liên quan phải nghiên cứu để xử lý vấn đề này, tránh thất thu”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này có mục tiêu lớn nhất là đưa quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp xuyên biên giới về quảng cáo lên cùng một mặt bằng. Qua đó, tránh xảy ra tình trạng không quản được hoặc khó quản các doanh nghiệp xuyên biên giới, trong khi lại quản chặt quá đối với các doanh nghiệp trong nước. “Thời gian tắt quảng cáo được dự thảo Luật quy định sẽ áp dụng với tất cả các doanh nghiệp xuyên biên giới, các trang mạng Youtube, Facebook, TikTok ở nước ta, không chỉ áp dụng với doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, từ những khó khăn của đời sống báo chí hiện nay, các bộ, ngành đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo đưa quy định nới rộng hơn về diện tích quảng cáo, thời gian tắt quảng cáo… Tất nhiên, trong thời gian tới, xu hướng chính sẽ vẫn là giảm dần quảng cáo và chuyển sang những hình thức nội dung truyền thông trả tiền để độc giả không phải xem quảng cáo, cũng như bù đắp phần quảng cáo thiếu hụt.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong các quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…
Về quảng cáo trên mạng, do thị trường thế giới và trong nước đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống sang quảng cáo trên không gian mạng, nền tảng số, nên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là nội dung sửa đổi rất quan trọng tại dự thảo Luật. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành như Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, đồng thời rà soát với các cam kết quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quy định bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng, không gian mạng hay trên nền tảng số, bảo đảm tính khả thi và dự báo cao.