Quy định rõ những nội dung Nhân dân bàn và quyết định
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này, như: các nguyên tắc, phạm vi và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.
Luật đã quy định rõ những nội dung Nhân dân bàn và quyết định. Trong đó, quy định rõ tỷ lệ 10% số hộ gia đình đồng thuận trước khi sáng kiến của công dân được đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định để khuyến khích người dân đề xuất sáng kiến. Tỷ lệ này nhằm bảo đảm vấn đề được đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định là những nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm của một bộ phận trong cộng đồng dân cư, chứ không phải các vấn đề có tính chất cá nhân, đơn lẻ. Xét về quy mô thôn, tổ dân phố theo quy định hiện hành thì mỗi thôn, tổ dân phố có trung bình từ 150 - 450 hộ gia đình, 10% là khoảng 15 - 45 hộ, đây là con số có thể thực hiện được.
Việc quy định tỷ lệ 10% tổng số hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng thuận trước khi sáng kiến của công dân được đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định là có tính khả thi, bảo đảm chặt chẽ để khẳng định tính thuyết phục, sự cần thiết của sáng kiến này. Đồng thời là cơ chế bảo đảm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố không lạm dụng quyền hạn của mình để hạn chế người dân bàn bạc, quyết định những nội dung mà người dân thấy thật sự cần thiết.
Đối với trường hợp chưa có đủ ý kiến của 10% tổng số hộ gia đình, Luật đã quy định cơ chế để nội dung công dân đề xuất vẫn có thể được đưa ra bàn tại thôn, tổ dân phố nếu nhận được sự ủng hộ của Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.
Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, một trong những phương thức hữu hiệu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để trao đổi, bàn và quyết định. Luật đã luật hóa nội dung này và quy định cụ thể, chặt chẽ hơn việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động
Dựa trên đặc thù của doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ, Luật đã quy định thực hiện dân chủ ở loại hình doanh nghiệp này.
Theo đó, Luật quy định về công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước. Quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin và trách nhiệm tổ chức thực hiện công khai thông tin. Quy định nội dung người lao động bàn và quyết định như nội dung, hình thức bàn và quyết định, tổ chức Hội nghị người lao động, trách nhiệm trong việc tổ chức để người lao động bàn, quyết định và thực hiện quyết định của tập thể người lao động.
Quy định rõ người lao động tham gia ý kiến, trong đó xác định nội dung, hình thức tham gia ý kiến, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc và trách nhiệm trong việc tổ chức để người lao động tham gia ý kiến.
Người lao động được kiểm tra, giám sát thông qua các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm, Luật còn quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước theo hướng khái quát và viện dẫn áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, Luật quy định tùy theo đặc điểm, tính chất, tổ chức hoạt động và điều kiện thực tế, doanh nghiệp, tổ chức này được quyền lựa chọn, áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước theo qu định của Luật và thông báo đến tổ chức Công đoàn của doanh nghiệp và công khai nội dung áp dụng này.
Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, bảo đảm Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.