Theo Đại biểu Vũ Xuân Hùng, thực tiễn hiện nay, việc kiện toàn tổ chức biên chế của lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh ở cơ sở cơ bản là sắp xếp 3 lực lượng: Lực lượng công an xã bán chuyên trách hoàn thành nhiệm vụ hiện nay đang trưng cầu sử dụng khoảng trên 70.000 người; lực lượng tổ trưởng, tổ phó dân phòng là 161.000 người; lực lượng bảo vệ dân phố 66.000 người. Nếu kiện toàn lại thì khoảng trên 300.000 người. Hiện nay, bình quân cả nước có khoảng trên 103.500 tổ dân phố, ấp bản. Như vậy, tính bình quân mỗi ấp, bản, thôn sẽ có 3 người. Tuy nhiên, Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng, thực tế tại nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh phía Nam và những địa phương có điều kiện, trật tự an ninh phức tạp, lực lượng tham gia bảo vệ trật tự cơ sở cần nhiều hơn.
Về kinh phí bảo đảm hoạt động, hiện nay do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định. Các địa phương hiện đang chi trả hàng tháng cho lực lượng bảo vệ dân phố, chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng. Nếu tính bình quân chung cả nước hiện nay là 1,4 - 2,5 tỷ đồng/tháng/địa phương. Nếu kiện toàn, thống nhất 3 chức danh này, theo Bộ Công an báo cáo cũng hết mức 1,4 - 2,4 tỷ đồng/tháng/địa phương.
Bên cạnh đó, mức đóng BHXH tự nguyện, BHYT, hiện nay theo báo cáo giải trình của Bộ Công an, tính chung cho các lực lượng này bình quân khoảng 700 triệu đồng/tháng/1 địa phương, 200 triệu đồng/tháng/1 địa phương để bảo đảm trang bị cho lực lượng này. Về bảo đảm trang phục, 5 năm/lần, khoảng 2,5 tỷ đồng/địa phương. Về cơ sở vật chất, trụ sở hoạt động hiện nay trong luật không đề cập đến nữa mà thống nhất phương án tận dụng cơ sở vật chất cũ của công an xã bán chuyên trách hoặc thiết chế ở địa phương. Do đó, theo Bộ Công an, khi thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, sẽ không tăng chi ngân sách.
Tuy nhiên, khi tham gia khảo sát tại một số địa phương, đại biểu Hùng nhận thấy, mức chi trả để bảo đảm hoạt động cho lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở hết gấp 4 - 5 lần mức lương cơ sở hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có những địa phương không phải thành phố, thị xã, nhưng điều kiện kinh tế bảo đảm hơn thì mức chi trả cao hơn (Bình Dương, Thanh Hóa, An Giang…), một số địa phương khó khăn thì chi trả được ít hơn. Theo đó, đại biểu Hùng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại kỹ lưỡng tổng mức chi ngân sách thực tế các địa phương cho hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bởi, trên thực tế, nhu cầu sử dụng của một số địa phương lớn hơn nhiều so với báo cáo của Chính phủ. Do đó, cần rà soát, tính toán lại cho phù hợp, đối với những địa phương khó khăn nên quy định mức tối thiểu.
Đại biểu Hùng cũng cho rằng, lực lượng này sau khi được kiện toàn không không làm mất đi chức năng, nhiệm vụ, tác động của phong trào tổ chức tự quản của các địa phương, lực lượng này là cánh tay nối dài, giúp việc cho công an xã, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Trong 6 nhóm nhiệm vụ của dự thảo Luật không trùng với nhiệm vụ của công an xã chính quy. Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn để lực lượng này không lạm quyền, không vi phạm đến quyền công dân.