Bộ công cụ đánh giá năng lực tham gia chuỗi giá trị được xây dựng và phát triển dựa vào cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực sản xuất để từng bước trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi do một số tổ chức quốc tế triển khai ở Việt Nam như: JICA, USAID LinkSME… Đồng thời, Bộ công cụ được điều chỉnh, phát triển dựa trên hiện trạng thực tế hoạt động và tham gia chuỗi giá trị của các DNNVV tại Việt Nam.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV đánh giá doanh nghiệp tiềm năng tham gia chuỗi giá trị dựa trên 11 chỉ tiêu chính gồm: Lãnh đạo và quản trị; tài chính, kế toán; hệ thống quản lý chất lượng; kiểm soát nhà cung cấp/nguyên vật liệu; kiểm soát quá trình; quản lý sản xuất; bảo trì và quản lý thiết bị đo; đào tạo nguồn nhân lực; năng lực phát triển sản phẩm mới; sức khỏe, an toàn, môi trường; công nghệ và chuyển đổi số.
Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV sử dụng Bộ công cụ để thực hiện đánh giá, sàng lọc doanh nghiệp thông qua phương pháp bảng hỏi và chấm điểm.
Mỗi tiêu chí nhỏ (câu hỏi) sẽ có 3 mức đánh giá khác nhau: 3 điểm (thực hiện đầy đủ các yêu cầu và có minh chứng), 2 điểm (chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu, hoặc không có minh chứng đầy đủ), 1 điểm (chưa thực hiện). Riêng tiêu chí tìm hiểu về công nghệ, chuyển đổi số có 2 mức đánh giá: 1 (có hành động), 0 (chưa có hành động cụ thể).
Tổng điểm tối đa cho các câu hỏi thuộc 11 nhóm tiêu chí chính 100 điểm. Dựa trên tổng điểm đạt được, mức độ sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị của DNNVV được phân loại theo 3 nhóm:
Loại A với tổng điểm đánh giá đạt từ 80 điểm trở lên (tỷ lệ điểm đạt được từ 80% trở lên) là doanh nghiệp rất tiềm năng và đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị.
Loại B với tổng điểm đánh giá đạt từ 50 đến dưới 80 điểm (tỷ lệ điểm đạt được từ 50% đến dưới 80%) là doanh nghiệp có tiềm năng tham gia chuỗi giá trị.
Loại C với tổng điểm đánh giá đạt dưới 50 điểm trở xuống (tỷ lệ điểm đạt dưới 50%) là doanh nghiệp cần nhiều thời gian để cải thiện và chưa phù hợp tham gia chuỗi giá trị.