Vẫn nhiều trở ngại
“Khoảng 5 năm trước, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ AI cho doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, sau đó mới đến bán lẻ và sản xuất. Khi AI bùng nổ trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp đa ngành bắt đầu tham gia nhiều hơn”, Giám đốc Trung tâm tư vấn và triển khai AI, FPT Smart Cloud Hồ Minh Thắng cho biết tại tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 31.3.

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng AI đã góp phần cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đứng thứ sáu trong khu vực ASEAN về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI và thứ 59 thế giới. Mục tiêu đến năm 2030 là đứng thứ tư ASEAN và vào top 50 thế giới.
Riêng trong lĩnh vực công thương, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Hoàng Ninh thông tin, việc ứng dụng AI đã ngày càng phổ biến, giúp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lãng phí. Đơn cử, trong ngành dệt may, doanh nghiệp ứng dụng AI trong tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, dự báo nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu thị trường, qua đó giảm 30% thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và giảm lãng phí. Hay trong ngành da giày, AI được ứng dụng để phân tích mẫu mã, xu hướng thị trường, tự động hóa sản xuất…
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu song việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết xác nhận, muốn AI hóa thì đầu tiên phải có dữ liệu. Song, với cơ sở sản xuất kinh doanh có truyền thống hàng chục năm, có nhiều hệ thống máy móc thiết bị nguồn gốc xuất xứ khác nhau, thế hệ máy khác nhau, thì việc để chúng có thể “giao lưu”, trao đổi dữ liệu là bài toán phức tạp. “Cách tốt nhất là chúng tôi phải kết hợp với các trung tâm tri thức bên ngoài, như các viện, trường đại học, để xây dựng các mô hình thuật toán mô phỏng lại hệ thống máy móc cũ, kết nối được với hệ thống máy móc mới, làm thành một mô hình hoàn chỉnh”, ông Kết chia sẻ kinh nghiệm.
Cùng với khó khăn do sự không đồng bộ của hệ thống máy móc thì nguồn lực (vốn và nhân lực) cũng là rào cản của doanh nghiệp khi ứng dụng AI. Ông Hồ Minh Thắng bổ sung, trong quá trình tư vấn, triển khai AI tại các doanh nghiệp cho thấy, hầu như chủ doanh nghiệp đều có tầm nhìn, ý tưởng ứng dụng AI song không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn nhân lực. Mặt khác, chi phí ban đầu vẫn còn khá cao. Khi chi phí này còn lớn hơn cả chi phí chuyển đổi số trước đây thì doanh nghiệp sẽ băn khoăn với câu hỏi “liệu đã nên bắt đầu hay chưa?” và họ sẽ phải cân nhắc đầu tư cho AI.
Hai “mong muốn cấp thiết” của doanh nghiệp
Ứng dụng AI không chỉ là xu hướng mà là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Ông Hoàng Ninh lưu ý, việc ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có AI, phụ thuộc vào 5 yếu tố chính. Đó là sản phẩm AI cần đáp ứng được yêu cầu về tự động hóa thông minh; hỗ trợ hiệu quả trong phân tích dữ liệu lớn; tối ưu hóa chuỗi cung ứng; quản trị sản xuất thông minh; phát triển sản phẩm thông minh.
Để nắm bắt các xu hướng và đáp ứng những yêu cầu trên, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, trước hết là về vốn. Tiếp đến, doanh nghiệp phải chuẩn bị về hạ tầng, bao gồm cả việc đi thuê. Doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng; chuẩn bị nguồn nhân lực; mở rộng việc học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm của các doanh nghiệp khác, kể cả từ nước ngoài.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng AI, đặc biệt trong ngành dệt may, da giày, chế biến chế tạo; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng, giúp doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyển đổi số, và ứng dụng AI tiếp cận nguồn lực cần thiết. Cùng với đó, Bộ sẽ đẩy mạnh xây dựng dữ liệu lớn - "nguồn thức ăn" của AI, để phục vụ việc ứng dụng AI trong sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Bộ Công Thương đề nghị, các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và ứng dụng AI. Các địa phương cần chủ động xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông minh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và chuyển đổi số có không gian sáng tạo, thử nghiệm công nghệ mới. Cùng với đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các tổ chức nghiên cứu, trường đại học; phối hợp với ngân hàng, quỹ đầu tư để tạo nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành để tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, qua đó giúp khoa học công nghệ, chuyển đổi số và AI được ứng dụng hiệu quả.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Đoàn Kết khuyến nghị, sẽ khó để doanh nghiệp ứng dụng AI trong toàn bộ quy trình sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp cần phải lựa chọn những quy trình ưu tiên. Rạng Đông xác định tập trung vào các quy trình còn điểm nghẽn, yếu kém, có đủ điều kiện và nguồn lực để triển khai ứng dụng AI. Song, nỗ lực của riêng doanh nghiệp là chưa đủ.
Ông Kết đề xuất “hai mong muốn cấp thiết nhất” của doanh nghiệp. Một là, Nhà nước xây dựng những nền tảng công nghệ chung cho cả nước và hỗ trợ doanh nghiệp với mức chi phí hợp lý. Hiện nay, chi phí thuê bao rất cao, đặc biệt là các nền tảng nước ngoài như Amazon và khi chi phí cao sẽ hạn chế người tiêu dùng trong việc ứng dụng AI. Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất và tạo ra các chuẩn chung, ví dụ như chuẩn giao thức để thiết bị đầu cuối, AI Device của Rạng Đông có thể sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, như vậy doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc vào riêng một nền tảng nào. “Khi bảo đảm được hai mong muốn đó thì AI sẽ đi vào cuộc sống rất nhanh”, ông Kết tin tưởng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân lực, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa Trần Mạnh Hà cho rằng, cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực về AI. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các đề tài hoặc nhiệm vụ nghiên cứu về AI.
Cũng theo ông Hà, hiện nay, tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI và chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn hạn chế. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các nhà máy và ứng dụng AI. Đây sẽ là căn cứ để các đơn vị triển khai ứng dụng AI hiệu quả.