Khỏe cây, khỏe đất, khỏe người nhờ IPHM
IPHM là cách tiếp cận mới trong chiến lược trồng trọt và bảo vệ thực vật, được phát triển trên nền tảng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Ðiểm khác biệt giữa hai chương trình nằm ở cách tiếp cận. IPM hướng tới kiểm soát dịch hại, thông qua trừ dịch hại để bảo vệ cây trồng. IPHM hướng tới phòng phòng dịch hại, các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể về đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm những tác động gây bất lợi cho cây trồng, phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Phú Thọ kiểm tra mô hình IPHM trên cây lúa
Cuối năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật trước kia (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) đã xây dựng Đề án IPHM đến năm 2030 và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt. Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Đề án nhằm tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM - một trong những nhiệm vụ của Đề án IPHM.
Ở Phú Thọ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai mô hình ứng dụng IPHM trên 5ha trồng lúa thuần chất lượng cao TBR 97 tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao. 122 hộ nông dân tham gia được hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón hữu cơ, thuốc, dịch vụ bảo vệ thực vật và hướng dẫn áp dụng các biện pháp IPHM. Kết quả cho thấy, cây lúa trong mô hình thân cứng, ít bị gãy đổ hơn trong bão Yagi; cây đẻ khỏe, thoát cổ bông tốt, ít sâu bệnh, hạt chắc mẩy; chất lượng gạo dẻo thơm ngon. Năng suất lúa trong mô hình đạt gần 63 tạ/ha, doanh thu bình quân hơn 65 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn 18 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Ứng dụng IPHM cũng giúp người dân hạn chế sử dụng và tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài cây lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ còn thực hiện mô hình IPHM trên cây bưởi tại Hợp tác xã bưởi Tây Cốc, huyện Đoan Hùng. Tổng kết cho thấy, sâu bệnh trong mô hình hại nhẹ hơn so với tập quán, số lần phun thuốc giảm, mẫu mã bưởi đẹp, tỷ lệ quả nám thấp, quả loại A cao, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.
Tại Cần Thơ, năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố đã xây dựng và nhân rộng 10 mô hình IPHM, trong đó có 5 mô hình trên cây lúa, 3 mô hình trên cây ăn trái, 2 mô hình trên rau màu. Kết quả cho thấy chương trình phù hợp giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất
Thời gian đầu, để nhanh chóng đưa các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp đến với bà con, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Phú Thọ đã không ngần ngại "khăn gói" đến tận các khu dân cư, thực hiện phương châm “ba cùng” với người dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Từ hình thức chuyển giao gần gũi nhất - cầm tay chỉ việc đến việc xây dựng giáo trình, lấy học viên làm trung tâm và đồng ruộng làm bài giảng, phương pháp này đã giúp nông dân dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ các kỹ thuật mới ngay trên vườn cây của mình, qua đó nắm bắt kiến thức một cách hiệu quả.

Cây lúa trong mô hình IPHM ở Phú Thọ thân cứng, khỏe, ít bị gãy đổ hơn trong bão Yagi
Ông Nguyễn Văn Khải ở xã Tây Cốc, Đoan Hùng, cho biết, khi tham gia chương trình IPHM trên cây bưởi, ông đã được trang bị kiến thức về quản lý dịch hại cho cây trồng rất cụ thể, chi tiết và có hệ thống. Nhờ áp dụng các kỹ thuật này, vườn bưởi của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất quả vượt trội, mẫu mã quả đẹp, chất lượng và giá trị đều nâng lên.
Ông Dương Văn Khâm, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long cũng xác nhận ứng dụng IPHM trên cây lúa đem lại nhiều lợi ích. Ông cho biết, trước đây, ông và bà con xung quanh sạ dày, vừa tốn giống, tốn công lại phát sinh nhiều sâu bệnh. Thấy vài con sâu cuốn lá, dù tỷ lệ gây hại chưa đến 5% cũng phun thuốc. Khi tham gia mô hình IPHM, bà con chuyển sang sạ thưa, vừa giảm giống, giảm công lao động, ít sâu bệnh. Bà con cũng được hướng dẫn để phân biệt loại côn trùng nào có hại, loại nào có lợi để tận dụng bảo vệ ruộng lúa và xác định được mức độ dịch hại để có biện pháp xử lý. Sau khi tham gia mô hình, ông Khâm đã mở rộng áp dụng IPHM cho cả 15 công lúa của mình.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, thúc đẩy ứng dụng IPHM trên các cây trồng chủ lực là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới. Trong đó, tập trung xây dựng mô hình IPHM để làm cơ sở nhân rộng ứng dụng trong thực tế sản xuất, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực tế ứng dụng IPHM trên đồng ruộng.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc thực hiện IPHM rất cần thiết khi biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng cao.
Đề án IPHM đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh, cây dược liệu và 70% diện tích ngô, cây công nghiệp được áp dụng IPHM; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15 - 20% so với sản xuất thông thường.
Cùng với đó, trên 80% số xã (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng. Trên 90% số xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.