LTS:Hệ thống thú y Việt Nam đã có hơn 70 năm hoạt động từ Trung ương tới địa phương, với cách thức tổ chức tương tự như ở các quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển. Trong những năm qua, công tác thú y luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đặc biệt Quốc hội đã ban hành Luật Thú y năm 2015, tạo cơ sở pháp lý cho lĩnh vực quan trọng này. Tuy nhiên, cách tổ chức cơ quan thú y tại các địa phương được triển khai theo những cách khác nhau nên có sự lúng túng nhất định. Các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp đều mong muốn, qua giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thú y", Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ có kiến nghị xác đáng để bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y trên cả nước.
Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố thực hiện đồng thời quy định tại Luật Thú y năm 2015 và Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ… Tuy nhiên, một số quy định khác nhau giữa các văn bản nhưng chưa được hướng dẫn thống nhất đã ảnh hưởng nhất định đến hệ thống cơ quan thú y trong cả nước.
Không thống nhất trong cả nước
Triển khai giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thú y của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, Đoàn giám sát đã làm việc, nghiên cứu báo cáo của 10 bộ, ngành, 26 địa phương và khảo sát thực tế tại 6 địa phương. Kết quả cho thấy, năm 2018 - 2019, các tỉnh, thành phố cùng lúc phải thực hiện Luật Thú y, Nghị định 35/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y, Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Trung ương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cũng như với đơn vị sự nghiệp công lập…
Theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y, hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y ở Trung ương là Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn tại các tỉnh và thành phố được chia thành 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Trung ương, nhiều địa phương đã xây dựng Đề án sáp nhập, hợp nhất, thành lập, tổ chức lại cơ quan sở và các đơn vị trực thuộc sở, trong đó có cơ quan thú y ở địa phương (Chi cục Thú y ở cấp tỉnh). Do quy định khác nhau giữa luật, các nghị quyết nên việc tổ chức hệ thống cơ quan thú y ở các tỉnh, thành phố chưa được thực hiện thống nhất trong cả nước.
Theo thống kê của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 10.2020 có 7/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các phòng khác trong Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Có 36/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Trạm Thú y cấp huyện với các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp hoặc chuyển vào Phòng Kinh tế của UBND cấp huyện. Số liệu thống kê của Cục Thú y cũng cho thấy, hiện còn 59 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì Chi cục Thú y có chức năng quản lý chuyên ngành thú y; trên 30 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y.
Nhiều vướng mắc
Theo phản ánh từ đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn một số tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức, quá trình kiện toàn tổ chức cơ quan thú y ở địa phương vừa mang lại những tác động tích cực, song cũng có nhiều vướng mắc, bất cập.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quá trình kiện toàn đã giúp giảm số lượng người làm công tác thú y ở các địa phương. Trên cả nước hiện còn 15.791 người, trong khi số liệu này vào năm 2018 là 28.363 người. Cả nước cũng có 5/63 tỉnh, thành phố không có nhân viên thú y cấp xã, nhiệm vụ này được chuyển cho công chức xã thực hiện kiêm nhiệm cùng với nhiệm vụ khác.
Sau 3 năm tiến hành sáp nhập, hợp nhất các cơ quan bên trong Sở, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện, thực hiện quy định về chế độ với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết, lợi ích đầu tiên là tiết kiệm 73 tỷ đồng để chi cho hệ thống này. Số kinh phí này đã được chuyển sang hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. “Với các tỉnh, thành phố khác, lượng kinh phí này chỉ là số nhỏ, nhưng với Bắc Kạn thì con số này có ý nghĩa lớn”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Cũng theo đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn, sau sáp nhập các đơn vị, UBND huyện có thể chỉ đạo trực tiếp với Trung tâm dịch vụ cấp huyện, cũng như sử dụng lực lượng vào thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn do cấp huyện chỉ đạo. Tác động này cũng được đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh công nhận.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga, sau khi sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Trạm Thú y, hình thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, số lượng cán bộ của Trung tâm nhiều hơn trạm nên thuận lợi cho việc chỉ đạo điều hành thực hiện những nhiệm vụ cần nhiều nhân lực, nhưng không đòi hỏi chuyên môn sâu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã xây dựng, trình UBND tỉnh Đề án về sáp nhập, hợp nhất, thành lập, tổ chức lại cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc Sở, trong đó có đề nghị sáp nhập Phòng Chăn nuôi và Chi cục Thú y. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do tính chất phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 nên Hưng Yên vẫn giữ cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan thú y theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y.
Là địa phương tổ chức chăn nuôi theo quy mô lớn và hiện đại, song, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, tổ chức bộ máy cơ quan thú y trên địa bàn Thủ đô vẫn giữ theo quy định tại Luật Thú y. Từ hiệu quả của mô hình này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, căn cứ Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tham mưu với Chính phủ củng cố kiện toàn hệ thống thú y, qua đó tạo sự đồng bộ trên cả nước, giúp cho các địa phương thực hiện tốt việc quản lý chăn nuôi, thú y, thủy sản, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh một số địa phương tiếp tục duy trì tổ chức cơ quan thú y ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã, một số địa phương sau khi tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy đã ban hành quyết định thay thế, quay trở lại mô hình cũ. Tại một số địa phương đã dừng thực hiện hoặc có văn bản đề nghị tạm ngừng tiến hành sáp nhập, điều chuyển chức năng của cơ quan thú y trên địa bàn huyện (Ninh Thuận, Long An…). Một số địa phương khác kiến nghị cần kiện toàn hệ thống cơ quan thú y theo Luật Thú y hiện hành để tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Có thể thấy, việc kiện toàn cơ quan thú y cấp tỉnh, huyện, xã mang lại tác dụng nhất định, giúp các cơ quan này nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát hơn của cấp ủy, chính quyền cấp huyện. Nhưng việc kiện toàn một cách cơ học, không có chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất đã tạo ra nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện ở các địa phương. Các vướng mắc, khó khăn này rất cần được thống kê, rà soát và đánh giá công tâm để có nhận định chính xác về việc tổ chức cơ quan thú y các cấp.