Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: “Xây dựng Đảng về văn hóa và phát triển văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trước yêu cầu mới”.
Đảng ta là một Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Mục tiêu của công cuộc lãnh đạo, cầm quyền hơn 93 năm qua, không có gì khác ngoài khát vọng tối thượng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. K. Marx nói: “Chủ nghĩa cộng sản, coi như chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo”! Đó chính là Văn hóa! Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, là văn hóa, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghĩa là văn hóa, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng.
Hơn 93 năm qua, Đảng ta luôn tỏ rõ và xứng đáng vừa là người lãnh đạo, cầm quyền, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, vừa là “đứa con nòi” của Nhân dân dẫn dắt đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đó là logic phát triển Việt Nam từ năm 1930 trong tầm nhìn tới năm 2030 - 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, là chủ nghĩa hiện thực xã hội Việt Nam từ năm 1945 tới năm năm 2045 - 100 năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam! Xét cho cùng, dưới mọi góc nhìn triết học hay lịch sử, kinh tế hay ngoại giao…, đó chính là sự kết tinh và tỏa sáng của văn hóa.
Đạo lý phát triển của Đảng ta trên nền văn hóa Việt Nam
Thực tiễn phát triển 300 năm của thế giới xác tín, một quốc gia có thể đạt được tốc độ kinh tế vượt bậc, thậm chí trở thành một quốc gia hùng cường về kinh tế chỉ trong vài chục năm, nhưng người ta phải mất nhiều năm, nhiều trăm năm, mới có một nền văn hóa của sự phát triển.
Điều đó không nằm ngoài sự tiên liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, rằng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; và rằng “trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề phải chú ý đến, cũng phải coi trong ngang nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”. Lịch sử xuyên hai thế kỷ XX và XXI của nước ta, dưới ngọn cờ của Đảng, đã đi và đã thành như thế. Những năm 40 của thế kỷ XX, văn hóa đi tiên phong mang sứ mệnh mở đường.
Dù chỉ hơn một năm nhưng văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam độc lập non trẻ lúc bấy giờ, đặc biệt văn hóa giải quyết việc lớn có tính mệnh hệ quốc gia, là diệt giặc dốt và nâng cao dân trí quốc dân. Bởi, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi giành độc lập, ngày 6.1.1946, chúng ta tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước với thành quả đáng kinh ngạc: hơn 99% số cử tri đi bầu cử mà trước đó vài tháng đa phần cử tri chưa biết chữ.
Văn hóa tham gia vào xây dựng nền văn hóa chính trị của chế độ mới với sự kỳ vĩ là sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới - Hiến pháp năm 1946. Đặc biệt, văn hóa tham gia vào công cuộc xây dựng Đảng rất non trẻ lúc bấy giờ, chống mọi thứ quan liêu, phù hoa xa xỉ, tàn tích phong kiến trong việc xây dựng một đảng kiểu mới. Văn hóa tiếp tục là nền móng kiến tạo và phát triển tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lúc bấy giờ vừa để bảo vệ chính quyền non trẻ vừa để xây dựng nước Việt Nam.
Công trình văn hóa lớn nhất là sự phát triển ở tầm vóc mới chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với gần 20 triệu đồng bào, dưới ngọn cờ của Đảng, đã khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 2.9.1945.
Văn hóa Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng, không ngừng tiếp nối nghìn năm và phát triển rực rỡ thành quả văn hóa của 2 năm đầu mở nước 1945 - 1946. Đó là sự tiếp tục phát triển ở tầm mức mới của Đề cương văn hóa năm 1943, càng cho thấy tầm nhìn và tư duy đường lối chính trị của Đảng trên nền tảng văn hóa trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, càng cho thấy văn hóa trở thành nhân tố căn bản kiến tạo chế độ mới, nâng cao dân trí và vị thế đất nước to lớn như thế nào. Và, sự hiện diện của Đảng trong tư cách là người lãnh đạo, cầm quyền đất nước Việt Nam mới là một sự kiện văn hóa vĩ đại, là một biểu tượng văn hóa chính trị Việt Nam trên nền móng văn hóa dân tộc phù hợp với xu thế phát triển của văn hóa chính trị thế giới. Đó là bước phát triển ở tầm vóc mới của nền văn hóa Việt Nam.
Ngày 5.1.1960, trong bài Diễn văn tại Lễ mít-tinh kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, “Đảng là đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”. Đó là lẽ tự nhiên trên đời. Và, 9 năm trước đó, ngày 3.3.1951, trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Và, cũng 9 năm sau đó, ngày 10.5.1969, trong bản Di chúc của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Đó là đạo lý phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền văn hóa Việt Nam.
Trong suốt 93 năm qua, lẽ tự nhiên, truyền thống đạo lý và tinh thần pháp lý đó luôn xuyên thấm, quyện chặt, hài hòa và phát triển không ngừng kể từ lúc sinh hạ, trên mỗi bước phát triển của Đảng sống trong lòng dân tộc, với tư cách là “đứa con nòi”, “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ”; và dân tộc vững bước mạnh mẽ trên con đường độc lập tự do và xã hội chủ nghĩa, dưới ngọn cờ của Đảng.
Dù ở bất cứ thời điểm nào của lịch sử “… quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". Và, dù ở bất kỳ khúc quanh sinh tử nào của dân tộc, “ Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc… Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân” và "Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư thiên vị" và được Hiến định.
Tuân thủ pháp luật, Đảng tự nguyện sống trong lòng dân tộc, sống chết vì dân tộc và dân tộc chở che, bảo vệ và nghiêm khắc đòi hỏi, yêu cầu Đảng luôn và phải xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, cùng nhau “lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Đó là tư cách và phẩm giá của Đảng làm nên sự phát triển mới của văn hóa Việt Nam.
Trên lộ trình phát triển đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, công cuộc đổi mới với đột phá đổi mới tư duy, Việt Nam đổi mới kinh tế là trung tâm thông qua đổi mới văn hóa, tức bằng tư duy chính trị và các quyết sách chính trị mang tầm văn hóa. Theo một nghĩa nào đó, văn hóa là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển đối với chính trị, kinh tế, xã hội và các phương diện khác. Điều đó càng cho thấy, không chỉ về quy mô, mức độ mà đặc biệt về tính chất của văn hóa, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của văn hóa mà bản thân của văn hóa xuyên thấm trong toàn bộ các phương diện của đời sống kinh tế xã hội. Từ đổi mới, càng cho thấy văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là gương mặt và tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc, là tấm "căn cước" của đất nước trong hội nhập toàn cầu.
Có thể nói, đó làvăn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam, chứ không đơn thuần là tăng trưởng một cách cơ học dù kinh tế hay văn hóa nào đó.Qua đổi mới, một triết lý của sự phát triển toàn diện, bền vững nói chung, sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của văn hóa, trong một tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ và bền vững của đất nước theo định hướng XHCN đang phát triển, với con người là hạt nhân của mọi sự phát triển, nhân tố quyết định vị thế chính trị, sức mạnh và danh dự Việt Nam trên vũ đài quốc tế.
Bản lĩnh,khí phách của người mang tầm văn hóa gánh vác trọng trách dẫn dắt dân tộc
Nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh của dân tộc. Lực lượng toàn Dân là lực lượng vĩ đại hơn hết và không ai chiến thắng được. Sức Dân, tài dân, khát vọng và liêm sỉ của Nhân dân làm nên Quốc sỉ, vị thế, sức mạnh và uy tín đất nước Việt Nam mấy nghìn năm qua mà đỉnh cao là 37 năm Đổi mới! Không ai không thấy, sức mạnh dân tộc kết tinh trong công cuộc đổi mới chuyển mình lịch sử mang tầm văn hóa: Đảng ta hành động hợp quy luật và hợp lòng Dân và đã làm nên Thế nước Việt Nam Đổi mới, dưới ngọn cờ của Đảng.
Một cách tự nhiên, xây dựng Đảng về văn hóa là nhu cầu tất yếu của công cuộc đổi mới, sự phát triển đa dạng của văn hóa chính trị trong sự phát triển thống nhất của văn hóa Việt Nam. Tới lượt mình, Đảng phải tự mình xứng đáng là biểu tượng của đạo đức, của văn minh, của đoàn kết, thống nhất, của hòa bình và hạnh phúc hợp thành văn hóa của Đảng… làm nên văn hóa chính trị phát triển mạnh mẽ và bền vững trên nền móng văn hóa Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc và hội nhập toàn cầu.
Từ lịch sử 37 năm qua, bài học vô giá nổi bật làm nên thành công của sự nghiệp đổi mới xác tín rằng: Tất cả mọi sự phát triển đều xoay chung quanh Nhân dân, vì Nhân dân và cho Nhân dân. Vì, Nhân dân là ngọn nguồn sức mạnh quốc gia, là chủ thể của công cuộc đổi mới. Đó là nền móng của Vận nước Việt Nam đổi mới. Và, đó là hiện thân của mối quan hệ tự nhiên máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, không thể gì bôi nhọ, là đạo lý sống của dân tộc không thể gì chia cắt và là pháp lý Việt Nam trên đời không ai có thể phá vỡ nổi. Đó là bản chất nhân văn của công cuộc đổi mới.
Được lịch sử giao phó và Nhân dân lựa chọn dẫn dắt đất nước, một cách tự nhiên, Đảng tự mình xây dựng, tự chỉnh đốn mình, phải trở nên hùng mạnh, tự nguyện phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân trong vị thế là “đứa con nòi”, “người đầy tớ thật trung thành”; đồng thời, là người lãnh đạo, cầm quyền. Và, suy cho cùng, sựthành hay bại về quy mô, tính chất, tốc độ và chiều sâu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, với sự tự do phục tùng chân lý Không có gì quý hơn độc lập tự do của 100 triệu đồng bào ta, bằng sự phụng sự hạnh phúc của Nhân dân, vì đất nước hùng cường của Đảng ta là hoàn toàn phụ thuộc vào việc hành xử ở tầm mức nào các mối quan hệ tự nhiên - đạo lý - và pháp lý này, xét từ mọi phía, mang tầm văn hóa, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay.
Đó chính là nguồn gốc sức mạnh nội sinh của Đảng trong dòng chảy thời đại. Không hoàn thành trọng trách lịch sử đó nhất định sẽ rơi vào thoái bộ, tự mình suy yếu, tự mình đánh mất vị thế, vai trò lịch sử, tự mình không xứng đáng là “đứa con nòi”, “người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” thật sự mang tầm văn hóa. Đóchính là sự đáp lại đòi hỏi phát triển của lịch sử, của dân tộc Việt Nam thấm đẫm đạo lý và mang tầm vóc văn hóa, dưới ngọn cờ của Đảng!
Yêu cầu mới sau gần 37 năm thực thi công cuộc đổi mới từ toàn diện tới toàn diện, đồng bộ, cấp bách đòi hỏi chúng ta không ngừng đổi mới tư duy phát triển quốc gia mang tầm chiến lược, chuẩn bị lực lượng chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: về tầm nhìn, về định vị đất nước, về quyết sách chính trị, về chuẩn bị những điều kiện cần và đủ… tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Và, chưa bao giờ như hiện nay, tất cả sự phức tạp của thời đại với những cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường của một “thế giới phẳng” và không phẳng, đã và đang đặt ra, thách thức Đảng ta: hoặc là tụt hậu tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt lên để làm chủ thời cuộc, làm chủ vận mệnh và trở nên hùng cường. Trong cơn lốc toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, thực tiễn cho thấy, sẽ chỉ sống sót những quốc gia nào biết giữ lấy văn hóa và lựa chọn đúng đắn cho mình một triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và phù hợp trong cuộc cạnh tranh mạnh được yếu thua. Đó là sự tham chiếu quan trọng, để chúng ta phát triển con đường phát triển đúng đắn và động lực độc đáocủa mình để dân tộc Việt Nam phát huy và đạt tới tầm văn hóa, thông qua đổi mới chính trị, kinh tế và đối ngoại, để phát triển kinh tế, xã hội đất nước thật sự mang tầm văn hóa; đồng thời, chủ động chống lại mọi sự xâm lăng dưới mọi hình thức bằng chính “sức mạnh mềm”, bằng chính văn hóa dân tộc trên con đường hội nhập quốc tế. Kinh tế, văn hóa, xã hội luôn được đặt và xử lý trong một tổng thể hữu cơ và hài hòa khi văn hóa vừa là nền tảng, là động lực của sự phát triển, đẩy nhanh công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ. Đó cũng chính là con đường nhân văn phát triển Việt Nam!
Thực tiễn càng xác tín, đất nước không thể tự mình trở nên hùng mạnh, nếu Đảng nếu không chủ động thâu thái và thâu hóa tinh hoa văn hóa thế giới, hành động và phát triển phù hợp với lương tâm nhân loại và phẩm giá thời đại. Trong một “thế giới phẳng” và không “phẳng” hiện nay, càng đòi hỏi Đảng chủ động tìm tòi nội dung, phương thức và nghệ thuật hành động một cách kiên quyết, tinh tế và hiệu quả ngang tầm văn hóa! Nó đòi hỏi Đảng sự kiên định, điềm tĩnh, quyền biến, trước bất cứ ai, bất cứ thế lực nào cả gan xâm phạm lợi ích quốc gia, càng đòi hỏi bản lĩnh, khí phách không biết sợ hãi hay thúc thủ nhưng cực kỳ tinh tế và nhân văn trước mọi sự chi phối của bất kỳ ai hay bất cứ sức ép nào dù đến từ bất cứ phía nào đối với Nhân dân, với dân tộc và đất nước. Đó là bản lĩnh, là khí phách, là lối hành xử của một người mang tầm văn hóa gánh vác trọng trách dẫn dắt dân tộc.
Đó cũng chính là trách nhiệm lịch sử to lớn và đạo lý thiêng liêng có ý nghĩa mất còn với một nghệ thuật hành động quan trọng, thước đo bản lĩnh, năng lực và lòng quả cảm thấm đẫm nhân văn của Đảng để Dân tộc tin theo.
Đó chính là con đường đi tất yếu trong tầm nhìn năm 2045: Từ chủ nghĩa yêu nước… xuyên qua kinh tế thị trường định hướng XHCN, bằng chính trị, thông qua công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, để tới Văn hóa tức là chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế phát triển tương lai của loài người mà Đảng là người đứng mũi chịu sào trước lịch sử một cách kiên định và nhân văn. Do đó, dù dưới mọi góc nhìn từ triết lý chính trị, triết lý xã hội tới triết lý nhân sinh và triết lý về con người, có thể nói, Đảng phải xây dựng và phát triển văn hóa trong Đảng làm rường cột phát triển văn hóa chính trị trên nền móng văn hóa dân tộc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc, hội nhập và thâu thái tinh hoa văn hóa nhân loại.