Xét dưới mọi góc độ, trải gần 200 năm qua, nhất là vào những năm 80-90 của thế kỷ XX, trái với không ít người hoảng hốt về "chủ nghĩa xã hội sụp đổ" (!), "chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chết" (!), nhưng cho tới tận hôm nay, chủ nghĩa xã hội vẫn nguyên vẹn là: Một lý thuyết - Một phong trào - và Một chế độ cụ thể. Đặc biệt, qua hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX giông bão, khủng hoảng và ba thập niên đầu thế kỷ XXI, càng qua những bước ngoặt phức tạp, đầy thử thách của thực tiễn, chủ nghĩa xã hội tự khẳng định mình và góp phần quan trọng thúc đẩy lịch sử thế giới tiếp tục tiến lên.
Và, cùng với nhân loại, Việt Nam tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội không gì cản nổi với mục tiêu thiêng liêng bất di bất dịch: Giải phóng dân tộc và giải phóng con người, khẳng định vị thế và uy tín của mình trước thế giới không ai làm vấy bẩn được.
Dù vậy, trên con đường XHCN, nhìn lại 10 năm trước, năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Đó là điều mà Đảng ta luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để làm sao vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của nước ta”(1).
Và, 10 năm sau đó, giữa bao biến động của thế giới, nhìn lại 35 năm Việt Nam đổi mới, tháng 5.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đặt vấn đề: “ Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học… Trong phạm vi bài này, chỉ xin đề cập một số khía cạnh từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam. Và cũng chỉ tập trung vào trả lời mấy câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”(2).
Lời đáp các câu hỏi lịch sử đó, hiện diện một cách hệ thống và trực tiếp từ các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và từ thực tiễn sinh động của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Xét tổng thể, bước đầu có thể hình dung những vấn đề cốt lõi của tư tưởng lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bao gồm 4phương diện cốt lõi:
Chủ nghĩa xã hội: Từ logic đến lịch sử
Lịch sử thế giới là dòng chảy liên tục, đa tuyến và không thuần nhất. Do đó, có những lúc, ở những tuyến nào đó, có sự ngưng đọng. Lịch sử vốn không đơn giản và thuần nhất, vì sự phát triển biện chứng trong giới tự nhiên và trong xã hội - tức là mối liên hệ nhân quả của sự vận động tiến lên từ thấp đến cao thông qua tất cả những sự vận động chữ chi và cả những bước lùi tạm thời. Do đó, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực nói riêng không nằm ngoài quy luật phát triển của lịch sử nhân loại nói chung được biểu hiện bằng sự phát triển thống nhất trong đa dạng, giữa liên tục và đứt đoạn, giữa đường thẳng và gấp khúc, giữa tiến lên và giật lùi, giữa ngưng đọng và nhảy vọt...
Sự vận động tự nhiên của lịch sử thế giới là tất yếu đi tới chủ nghĩa xã hội, xét từ chính “bản chất và tiền đồ của chủ nghĩa tư bản”. Tờ nhật báo Phố Wall (Hoa Kỳ) từng viết: Marx không giải phẫu chủ nghĩa tư bản, mà bắt đầu bằng cấu trúc nền tảng của nó để làm nổi bật lên những vấn đề của nó và để cuối cùng dự báo sự sụp đổ của nó. Thế kỷ XX và XXI chứng minh điều tiên báo ấy.
Nhiều đảng cộng sản, đảng cánh tả mác-xít trên thế giới đều khẳng định loài người tất yếu sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Hội nghị lần thứ 4 khóa XVI (tháng 9.2004), nhấn mạnh: Cần phải kiên trì thúc đẩy chủ nghĩa xã hội… chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu được Trung Quốc. Và, Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Nhật Bản (tháng 1.2004) khẳng định: Trong thế kỷ XXI, trào lưu hướng tới một xã hội mới trên chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ lớn mạnh và phát triển… Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, dù quanh co, khúc khuỷu, song cuối cùng chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi.
Hơn nữa, một hệ quả khác không thể phủ nhận là, chính điều đó là căn nguyên gây ra những sự thoái bộ nghiêm trọng, nhất là trong đời sống đạo đức, văn hóa, làm cho tiến bộ xã hội trong chủ nghĩa tư bản vốn đã bị tổn thương bởi được xây dựng trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa thì nay tính chất và mức độ ngày càng trở nên sâu sắc, khi sự phân cực giàu nghèo ngày càng tăng, nhất là do siêu lợi nhuận của các nhà tư bản thu được từ các hàng hóa đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin; khi hệ thống công nghệ mới, trong đó đặc biệt là công nghệ thông tin một khi bị ràng buộc bởi lợi nhuận tối đa, sẽ ném ra hè phố hàng triệu công nhân; khi nạn nghe, nhìn quá tải, vô nguyên tắc sẽ để lại hậu quả đến nhiều thế hệ sau này... Nói như M. Kha-rin-tơn, một nhà nghiên cứu người Mỹ: Chủ nghĩa xã hội sẽ là người kế thừa các cuộc cách mạng tư sản vĩ đại, là phong trào hiện thực “tự do, bình đẳng, bác ái”, những điều không thể thực hiện được trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản... Nhiều nhà tư bản lo sợ rằng, chủ nghĩa xã hội sẽ có một tương lai to lớn.
Từ nền tảng lịch sử đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Gần đây, mặc dù chủ nghĩa xã hội thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng ta vẫn khẳng định: “Đảng và Nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Điều đó hoàn toàn phù hợp với xu thế vận động, phát triển của lịch sử”(3).
Nắm chắc quy luật tiến hóa và khát vọng Dân tộc tự do, hạnh phúc
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra kết luận sâu sắc rằng, “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”(4).
Đó là mối quan hệ giữa cái khách quan và cái chủ quan.
Từ lịch sử nhân loại và dân tộc, trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ sự chiêm nghiệm các vấn đề tự do và hạnh phúc cho và của Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “… Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do"(5). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “…Chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(6).
Sau 35 năm đổi mới, trong bối cảnh mới, trước nguy cơ mới và thời vận mới, Đất nước càng mạnh bước và tự tin trên con đường đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Dân tộc càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì nền độc lập tự do và phát triển mạnh mẽ và nhân văn của Tổ quốc, đây chính là thời khắc chúng ta càng phải trở về và hành động một cách kiên định và sáng tạo vì nền Độc lập của Tổ quốc, vì Tự do và Hạnh phúc của Nhân dân. Để thực thi trọng trách lịch sử nặng nề đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(7).
Xã hội XHCN Việt Nam với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là một “xã hội mà mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, mà nơi đây thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.
Vì thế, “Hạnh phúc của Nhân dân” là một trong những nhãn tự của văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Càng đặt vấn đề “hạnh phúc của Nhân dân” vào những khúc quanh của lịch sử thế giới và đất nước năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid - 19 đe dọa sinh tử nhân loại và sự bất ổn của những cuộc xung đột kinh tế, chiến tranh khốc liệt hôm nay, mệnh đề đó càng hàm súc, tỏa sáng, càng mang ý nghĩa lớn lao nhưng liên quan tới số phận mỗi người, sứ mệnh phát triển của đất nước, không chỉ trên phương diện chính trị, kinh tế mà sâu xa hơn là sự đòi hỏi phát triển một tầm mức mới trên bình diện xã hội, văn hóa và nhân văn. Rằng, “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”(8) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác quyết.
Đó là xã hội Việt Nam có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, có nền văn hóa phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc - môi trường mà mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện. Chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước trên cơ sở kinh tế tri thức; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; hình thành nền văn hóa tiên tiến kết hợp với phát triển con người; nâng cao đời sống Nhân dân; đi theo con đường tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không rơi vào vũng bùn kinh tế vị kinh tế đơn thuần, tiền vị lợi nhuận thuần túy, mà chủ động “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”(9) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Đó chính là triết lý phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường vận hành theo các quy luật của thị trường nhưng dưới sự vận hành của Nhà nước, “không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và chưa phải là kinh tế thị trường XHCN hoàn chỉnh”, làm nên sự khác biệt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam với những nền kinh tế thị trường khác. Bởi, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do không thể giải quyết các vấn đề và trong nhiều trường hợp gây ra tác hại nghiêm trọng cho các nước nghèo, nó càng đào sâu thêm mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản toàn thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Càng làm lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa”, “không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa”(10).
Mặt khác, trong phát triển toàn diện xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(11). Văn hóa không chỉ được khẳng định là một trong bốn trụ cột chính sách quyết định của Đảng về xây dựng, phát triển đất nước mà văn hóa còn là sự bảo đảm cho định hướng XHCN của nền kinh tế, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ với mục đích hướng tới con người, vì hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người. Đây là bản chất và cũng là hành động tổng thể và kiên định xây dựng nền văn hóa chính trị dân chủ và nhân văn Việt Nam.
Nhân loại không lóa mắt trước không ít quốc gia được mệnh danh hoặc tự cho mình là phát triển, với những “sự quyến rũ của chủ nghĩa tư bản” nào đó. Vì, lịch sử đang chứng thực rằng, “một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó. Theo nhiều nhà khoa học phân tích, các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa… Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn… Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là "tự do", "dân chủ" dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”(12) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận diện những mặt trái và cảnh báo sự ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản.
________
(1)GS, TS. Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 178.
(2)Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tr. 17.
(3) GS, TS. Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Sđd, tr. 156-157.
(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 22.
(5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 22.
(6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 23.
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 28.
(8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đê về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 23.
(9) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đê về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 27.
(10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đê về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 20.
(11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đê về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 27.
(12) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đê về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 20-21.