Từ hoạt động thực tiễn, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn chia sẻ, trước đây, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân chỉ mong muốn được như doanh nghiệp nhà nước, nhưng bây giờ, doanh nghiệp nhà nước lại muốn có một cơ chế đủ thông thoáng, đủ cởi mở như với doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân để cạnh tranh kinh doanh một cách bình đẳng, sòng phẳng. Nghe có vẻ mâu thuẫn, bởi dư luận xã hội hiện vẫn không ít người cho rằng, doanh nghiệp nhà nước được mang tiền Nhà nước đi đầu tư, kinh doanh, có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu... - nói tóm lại là có rất nhiều ưu thế, rất nhiều điều kiện thuận lợi và ưu ái so với doanh nghiệp của các khu vực khác. Nhưng doanh nghiệp nhà nước không chỉ có hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư vì lợi nhuận thuần túy mà còn phải thực hiện những mục tiêu, những “sứ mệnh” được Nhà nước giao, nhất là trong lĩnh vực thất bại thị trường, tư nhân không muốn đầu tư hoặc các lĩnh vực phục vụ các mục tiêu dài hạn của Nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, không dám làm hoặc không đủ lực để làm và doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong, đi trước mở đường.
Căn nguyên sâu xa khiến “chiếc áo” cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước ngày càng chật chội, bó buộc có lẽ là bởi tư duy, cách thức quản lý chủ yếu vẫn đi trực tiếp vào từng hành vi của doanh nghiệp. Theo cách này, Nhà nước thì "sợ" nếu nới lỏng ra sẽ không kiểm soát được nên phải quy định thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước hẹp nhất để Nhà nước quản lý được. Và như vậy, doanh nghiệp nhà nước gần như mất quyền chủ động trong việc quyết định các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp tư nhân “chớp” thời cơ, cơ hội rất nhanh thì doanh nghiệp nhà nước việc gì cũng phải đi trình, đi xin cấp trên, từ đó mất cơ hội, giảm khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Với một cơ chế như vậy, ai tuân thủ quy định thì chỉ làm trong khuôn khổ, cố gắng kinh doanh năm sau cao hơn năm trước là hoàn thành tốt nhiệm vụ, ai “phá rào” thì có thể sẽ sai phạm và bị xử lý. Một hệ quả nữa là, “nhiều khi do quản lý hành vi nên chúng ta lại lơ là chuyện kiểm tra, giám sát và ngăn chặn, tức là công tác phòng ngừa lại không quan tâm đúng mức. Bởi vì, chúng ta nghĩ cơ chế đặt ra là chặt chẽ rồi nên chắc là không có vấn đề gì. Nhưng cuối cùng, ai liều thì vẫn cứ liều, sau đó Nhà nước lại mất tiền, còn cá nhân có thể bị xử lý”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.
Trước thực tế đó, dự luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám đã có nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước, đã có cách tiếp cận mới từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu. Dù thế, dự luật vẫn được đánh giá là chưa thực sự "cởi trói" cho doanh nghiệp nhà nước.
Điều đáng nói là, từ năm 2017, với việc ban hành Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Trung ương đã nhất quán quan điểm: Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp; vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp, đồng thời phải tăng cường phân cấp, phân quyền. Nhưng sau gần 8 năm kể từ khi có Nghị quyết của Trung ương, việc thể chế hóa các quan điểm này trong dự luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy vẫn còn sự dè dặt, thận trọng. Trong đó, ngay từ nguyên tắc quản lý, thẩm quyền quyết định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, vẫn chưa thực sự phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cả nước đang khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm thực hiện thành công cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ các tầng nấc trung gian, thì tinh thần của Trung ương tại Nghị quyết số 12 càng phải được thể hiện đầy đủ, toàn diện, sâu đậm trong Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đặc biệt, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, từ đó, rà soát cụ thể, chi tiết từng điều khoản của dự luật, bảo đảm phân định rõ ràng quyền quản lý nhà nước, quản lý của đại diện chủ sở hữu và quản trị của doanh nghiệp để có thể quản lý theo mục tiêu, vừa trao quyền để doanh nghiệp được chủ động, sáng tạo trong hoạt động đầu tư kinh doanh vừa quy được trách nhiệm nếu có sai phạm xảy ra.
Như vậy, không chỉ là “cởi trói” mà cần thiết phải có một “chiếc áo” mới với tư duy mới về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với những lợi thế, nguồn lực hiện có cùng với một cơ chế quản lý thông thoáng, cởi mở, minh bạch, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chắc chắn sẽ năng động hơn, hiệu quả hơn, không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư mà còn trong thực hiện vai trò, sứ mệnh mà Nhà nước giao, đóng góp nguồn lực vật chất quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.