Chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu
Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐBQH Phạm Đức Ấn nêu quan điểm, xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần quan tâm đến các quy định về kiểm tra, giám sát, phòng ngừa. Mặt khác, cần tính đến cơ chế đánh giá tổng thể mục tiêu đạt được của doanh nghiệp nhà nước, không đi sâu vào các hành vi cụ thể của doanh nghiệp nhà nước, cần có các quy định đủ thông thoáng, đủ tin tưởng vào đội ngũ doanh nhân vì sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, việc chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu là sự thay đổi rất lớn, đúng định hướng. Nếu chỉ vì mục tiêu lợi nhuận và quản lý quá chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ khó nắm bắt cơ hội vì nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp tư nhân không sẵn sàng đầu tư nên doanh nghiệp nhà nước phải vào cuộc đầu tư.
Đáng chú ý, đại biểu cho rằng, dự thảo luật vẫn thiếu vắng các quy định thể hiện doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò tiên phong, đi trước mở đường, như công nghệ số, công nghiệp phụ trợ hay thay thế hàng nhập khẩu. Mặt khác, nếu chỉ quản lý theo hướng giao mục tiêu lợi nhuận, sẽ không đạt được mục tiêu thay đổi mang tính gia tăng cho Nhà nước, nên chỉ đi theo lợi nhuận đơn thuần. "Do đó, có thể tách các loại hình doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn để tăng lợi nhuận đơn thuần và loại hình doanh nghiệp nhà nước thực hiện chính sách nhà nước để đạt được các mục tiêu chiến lược cụ thể", đại biểu Phạm Đức Ấn đề xuất.
Còn ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá, trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành có sự lẫn lộn giữa quyền quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu và đại diện doanh nghiệp. Điều này dẫn tới việc khó quy trách nhiệm khi xảy ra thất thoát. Vì vậy, đại biểu đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành chỉ quản lý đối với doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước trở lên). "Việc mở rộng quản lý đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% là phù hợp song cần có nguyên tắc quản lý đối với loại hình này", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với các nguyên tắc nêu trong dự thảo nhưng cần bổ sung làm rõ các nguyên tắc tiền vốn nhà nước đã đầu tư cho doanh nghiệp phải trở thành vốn của doanh nghiệp (nếu quy định vốn của Nhà nước thì phải quản lý theo Luật Ngân sách nhà nước); đồng thời, bổ sung quy định Nhà nước trở thành người sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ vốn góp. Đại biểu cũng đề xuất cần phân định rõ quản lý vốn nhà nước như thế nào, tránh tình trạng can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, cần phân định rõ quản lý hoạt động đầu tư tiền của Nhà nước vào doanh nghiệp có quyền có thoái vốn, tái cấu trúc vào doanh nghiệp khác hay không; tiền vốn của Nhà nước dùng vào mục đích nào, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ra sao?
Về quyền quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh, một số đại biểu cho rằng, Nhà nước chỉ quyết định chiến lược và đề ra một số chỉ tiêu cụ thể cần đạt được như chỉ tiêu về lợi nhuận, chỉ tiêu bảo toàn vốn, chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ định hướng nhà nước. Còn kế hoạch sản xuất kinh doanh - hành động để thực hiện chiến lược phải do doanh nghiệp tự quyết định. Tuy vậy, dự thảo luật vẫn quy định nhà nước quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tháo bỏ "chiếc áo quá chật"
Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đều nhấn mạnh, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, việc kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành là hết sức có ý nghĩa. Bởi, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay giống như một "chiếc áo quá chật" không phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển. Trước đây, các doanh nghiệp tư nhân khao khát có được những ưu đãi như doanh nghiệp nhà nước thì giờ đây, các doanh nghiệp nhà nước lại mong muốn có cơ chế linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân để cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung được nhiều đại biểu nêu. Thực tế cũng đã chứng minh nhiều trường hợp thất thoát tài sản nhà nước đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Tuy vậy, một số đại biểu lưu ý khi nhà nước kiểm soát chặt chẽ từng hành vi của doanh nghiệp thì có thể dẫn đến sự trì trệ, giảm tính cạnh tranh và khả năng sáng tạo; ngược lại, nếu quản lý quá lỏng lẻo thì nguy cơ làm liều, làm sai vẫn có thể xảy ra.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu, người được cử đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp cũng cần phân định rất rõ. Theo đó, tại Điều 11 của dự thảo, một số đại biểu đề nghị phân định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhiệm vụ giao cho doanh nghiệp kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước có đúng quy định hay không? Đồng thời, một số đại biểu đánh giá cao dự thảo đã quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết, tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc.