Nguồn tài chính từ đất đai đang chảy đi đâu?
|
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguồn thu từ đất đai hiện chiếm trên 11% số thu ngân sách. Con số này được cho là thấp hơn nhiều so với mức có thể thu được từ đất đai theo quy định của pháp luật. Việc thất thoát nguồn thu tài chính từ đất đai chủ yếu vẫn do cách tính giá đất và những tiêu cực, gian lận trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật về đất đai.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, theo quy định hiện hành, giá đất tính theo bảng giá của UBND cấp tỉnh so với thị trường thực hiện đang rất thấp, ở trung tâm các đô thị lớn có thể chỉ bằng 10%, những nơi khác ở mức độ cao từ 50 - 60%. Từ sự chênh lệch này, khoản thất thu của Nhà nước không hề nhỏ.
Việc thất thu tài chính từ đất đai còn thể hiện ở tiền sử dụng đất khi giao đất cho các nhà đầu tư, hiện chiếm 80% tổng nguồn thu từ đất. Thực tế hiện nay, việc định giá phù hợp thị trường theo quy định của những địa phương cố gắng lắm vẫn thấp hơn thị trường đến 30%, thậm chí có những nơi chỉ bằng 50% giá thị trường, hệ quả là nhà nước thất thu một nguồn tiền lớn. Ngoài ra, nguồn thu từ tiền thuế đất, đặc biệt là các hợp đồng chuyển nhượng đất của người dân, các cơ quan, tổ chức kinh tế, đang được các bên giao dịch khai thấp hơn nhiều giá trị thực, để tham nhũng tiền thuế.
Mặt khác, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện đang sở hữu một lượng đất lớn trong khi sử dụng chưa hiệu quả cũng góp phần vào thất thu của ngân sách nhà nước. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất khoảng 1,5 tỷ m2, tương đương 594.000 tỷ đồng. Xét về giá trị, số nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện chiếm đến 97,2% giá trị tài sản nhà nước, trong đó giá trị đất chiếm 76,2% tổng giá trị tài sản nhà nước. Không chỉ sử dụng không hiệu quả, nơi thì bỏ trống, nơi thì sử dụng sai mục đích, mà một phần lớn diện tích đất được các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang được cho thuê lại với giá lớn gấp nhiều lần, khoản chênh lệch này cũng chui vào túi của các nhóm lợi ích chứ không chảy vào ngân khố quốc gia.
Hạ tầng có thể đã không khát vốn
Kinh nghiệm phát triển của các đô thị lớn trên thế giới cho thấy, giải quyết vấn đề kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, giao thông đô thị bằng nguồn thu từ đất. Tại các thành phố này, bên cạnh thuế đất, được đánh từ 1- 2%, còn có nguồn quỹ phát triển hạ tầng rất mạnh. Nguồn quỹ này được hình thành khi quá trình phát triển đô thị mang lại giá trị gia tăng cho bất động sản, thì một phần giá trị gia tăng đó được nộp vào quỹ cơ sở hạ tầng để tiếp tục tái đầu tư phát triển hạ tầng công cộng, cùng với thuế nhà, thuế tài sản gắn liền với bất động sản. Ở Việt Nam, nguồn quỹ cho phát triển cơ sở hạ tầng gần như không có. Bài toán giải quyết nguồn lợi từ bất động sản do quá trình đô thị hóa mang lại đã không được giải quyết tốt, khiến nguồn tài chính không nhỏ này vào túi các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp thương mại, thay vì quay trở lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Và cũng ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng, giao thông thiết yếu hầu như trông chờ ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay ODA. Đặc biệt, theo dự báo, trong 10 năm tới, ngân sách nhà nước chỉ có khả năng đáp ứng được 60% số vốn cần thiết để phát triển hạ tầng thiết yếu và dịch vụ công. Điều này đặt ra cần phải nhìn nhận lại nguyên lý của sự phát triển đô thị, đã đến lúc mỗi người dân sinh sống tại đô thị, được hưởng lợi từ các dịch vụ của đô thị, phải có trách nhiệm cùng với nhà nước đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng. Nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt giao thông công cộng, hiện đang là bài toán chưa có lời giải hợp lý của nước ta, cũng cần phải đi theo hướng dùng nguồn thu từ đất đai để đầu tư, cùng với áp dụng cơ chế công- tư hợp tác.
GS Đặng Hùng Võ nhận định, hiện tại, mức phí sử phí sử dụng đất của ta hiện chỉ có 0,03%, mức này quá thấp. Nên chăng, cần sớm xây dựng mức phí theo giá thị trường, tức là người sử dụng đất có giá trị thấp thì nộp thuế thấp, còn ở nơi nào đất có giá trị cao thì nộp nhiều. Có thể áp dụng mức thuế trung bình của các nước trên thế giới, xấp xỉ 1%, thậm chí, có nơi còn áp dụng mức thuế 2%, thay vì mức 0,03% như hiện nay. Đây sẽ là nguồn tài chính lớn để chúng ta đầu tư cho hạ tầng, giao thông, đặc biệt là nguồn vốn để phát triển giao thông công cộng tại các đô thị lớn.
Những tồn tại và bất cập khiến nguồn lực tài chính từ đất đai bị thất thoát, lãng phí, thậm chí là tham nhũng đều đã thấy. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển KT-XH, trong đó đề xuất bỏ khung giá đất. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ quy định giá đất theo giá thị trường, dựa trên các nguyên tắc do Chính phủ ban hành. Cùng với đó là một loạt các biện pháp được đưa ra để nguồn chênh lệch địa tô chảy vào quốc khố, những hành vi tham nhũng thuế đất của người dân, doanh nhiệp được hạn chế tối đa, đồng thời, không để lãng phí nguồn lực tài chính lớn từ đất.
Tồn tại đã thấy, biện pháp đã có, những gợi mở của các chuyên gia cũng đã nhiều, giờ chỉ còn trông chờ các chính sách, biện pháp sớm được thực thi đầy đủ, hiệu quả mà thôi. Nếu làm được điều này, không chỉ ngân sách nhà nước mỗi năm có 5 tỷ USD và nhiều hơn nữa, nguồn thu từ đất, mà bài toán về hạ tầng thiết yếu, ùn tắc giao thông cũng sẽ được giải quyết.