Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL có 5 điểm nổi bật.
Một là, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu tiếp thu từ kinh nghiệm của Hà Lan, nơi có điều kiện tự nhiên cũng như quy mô diện tích và dân số tương đồng với vùng ĐBCSL. Theo đó, quy hoạch hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.
Hai là, quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa sản lượng và chất lượng, giá trị nông sản, đồng thời hài hoà với điều kiện tự nhiên môi trường. Cụ thể, sẽ phát triển vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực.
Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy mở rộng nuôi trồng thủy sản dựa trên nước mặn, nước lợ và phát triển “thuận thiên” để ngăn chặn xói mòn bờ biển và bờ sông. Ở các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau, cơ sở hạ tầng nước và quản lý công trình sẽ phải được sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với việc giảm diện tích trồng lúa và mở rộng nuôi trồng thủy sản, trái cây cũng như trồng trọt... Trong khi đó, với công nghiệp, sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trong đó công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ phát triển nông nghiệp là ngành mũi nhọn...
Ba là, xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết hợp với các trung tầm đầu mối; ưu tiên phát triển và mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực của vùng; hạn chế việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp tập trung, có giá trị kinh tế cao để mở rộng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Bốn là, tập trung phát triển hạ tầng đi trước một bước nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng ĐBSCL. Trong lĩnh vực này, sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp… Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng và thay thế tất cả bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió)…
Năm là, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường vùng ĐBSCL; tái tạo hệ thống rừng ngập mặn; kết hợp phát triển rừng ngập mặn ven biển với xây dựng hệ thống đê, kè ngăn sóng, chống triều cường, chống sạt lở đất, tạo điều khiển bồi đắp phù sa, mở rộng bãi bồi ven biển…