Xuất khẩu gỗ rất tích cực
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 6.2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, dù giảm 1,1% so với tháng trước nhưng lại tăng 13,6% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài xác nhận, hiện, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Sở dĩ xuất khẩu gỗ trong nửa đầu năm nay tăng trưởng tích cực là bởi nhu cầu tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đơn cử, tại Trung Quốc, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng qua đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trên 46% so với cùng kỳ. Còn tại Hoa Kỳ, thị trường chủ lực quan trọng nhất của ngành gỗ Việt, vốn chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu, cũng có sự tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 3,45 tỷ USD, tăng 30%; xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 323 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023; điều này cho thấy nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường này đang tăng nhanh.
Ở trong nước, ông Hoài xác nhận, nguồn nguyên liệu được bảo đảm khi chủ yếu được cung ứng từ nguồn trồng nội địa, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ đã tận dụng lợi thế về hệ thống vận tải cảng biển trong nước, đặc biệt là vùng có logistics thuận lợi như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Đây cũng là những trợ lực quan trọng đóng góp vào thành tích xuất khẩu nửa đầu năm nay.
Nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu
Tuy vậy, các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước nhiều khó khăn, trực tiếp là cước vận tải biển tăng cao do căng thẳng tại Biển Đỏ, cùng với đó là tình trạng thiếu tàu biển, thiếu container rỗng.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, cước vận tải biển đi một số thị trường xa như Hoa Kỳ, EU đã tăng tới 7.000 - 8.000 USD, gấp đôi so với khoảng một tháng trước đó. Có những trường hợp giá trị hàng hóa của container cũng chỉ tương đương với chi phí vận chuyển. Cước tăng khiến các nhà nhập khẩu ở nước ngoài phải đàm phán lại giá cả, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải chia sẻ rủi ro và bị thiệt, ông Hoài xác nhận.
Nhìn nhận về triển vọng xuất khẩu trong những tháng tới, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest vẫn rất lạc quan. Theo đó, kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu cải thiện. Trong báo cáo công bố hồi tháng 5 vừa qua, Liên Hợp Quốc dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025, tăng nhẹ so với dự báo hồi đầu năm lần lượt ở mức 2,4% và 2,7%.
Đáng chú ý, với thị trường Hoa Kỳ cũng đã có cải thiện, nhất là kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất trong tháng 9 tới sẽ thúc đẩy sức mua tại thị trường này. Mặt khác, trong nửa cuối năm, nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo tăng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt trên 16 tỷ USD, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ.
Tương tự, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, với thị trường Anh, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng đang có nhiều cơ hội nhờ ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); cơ chế áp dụng Fast track Digital UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm.
Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có đồ nội thất bằng gỗ, gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các mặt hàng nhập khẩu chính của Anh là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ và đồ nội thất phòng ngủ và chiếm 88,9% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trong 3 tháng đầu năm nay. Đây cũng đều là mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, nhưng tỷ trọng nhập khẩu của Anh từ Việt Nam vẫn còn thấp.
Rõ ràng, cơ hội để mở rộng thị phần tại Anh là rất khả quan nếu các doanh nghiệp nắm bắt những quy định về tiêu chuẩn mới của thị trường và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp; đầu tư và sử dụng các phương tiện, công cụ marketing số hiện đại để tăng cường quảng bá sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Anh; chuẩn bị lộ trình chuyển đổi sản xuất đáp ứng các yêu cầu mới của Anh về giảm phát thải, chống mất rừng và suy thoái rừng. Tận dụng được cơ hội từ thị trường Anh cũng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong thời gian tới.