Vận hành thí điểm thị trường carbon từ giữa năm 2025
Ngày 10.4, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển - Đại sứ quán Thụy Sỹ, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và VnEconomy tổ chức “Diễn đàn thị trường tín chỉ carbon Việt Nam”.

Tại đây, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu này được thực hiện chủ yếu thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực trong nước cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Cũng theo ông Cường, Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá carbon, cụ thể là thị trường carbon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia với chi phí thấp của doanh nghiệp và xã hội, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon và đề ra những việc phải làm như: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước. Tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định chi tiết về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Tháng 1.2025, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển carbon tại Việt Nam. Đề án đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp để sớm thí điểm thị trường carbon trong nước trong năm 2025 và vận hành chính thức sau năm 2028.
"Trong khi thị trường carbon tuân thủ mới trong giai đoạn xây dựng, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013…", ông Cường cho biết.
Lúng túng vì thiếu khung pháp lý
Vừa qua, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã tổ chức một đợt khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon tự nguyện tại Việt Nam với 240 doanh nghiệp trên 4 lĩnh vực sản xuất lúa gạo, sản xuất thực phẩm - đồ uống, chăn nuôi và quản lý chất thải.
Trưởng nhóm Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, Khu vực Mekong của IFC Phạm Liên Anh cho biết, phần lớn phản hồi đến từ các doanh nghiệp lớn và có doanh thu cao; trong đó công ty tư nhân và nước ngoài chiếm tỷ lệ phản hồi lớn. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chưa cao vì còn gặp khó khăn về nguồn lực, tài chính. Bên cạnh đó, còn có khoảng trống về kiến thức như thiếu nhận thức về các tiêu chuẩn và cơ chế tín chỉ carbon; và những khó khăn trong nắm bắt các điều kiện tiêu chuẩn, yêu cầu về số liệu và thủ tục đăng ký dự án…
Mặc dù các doanh nghiệp tham gia khảo sát chủ yếu là những doanh nghiệp lớn và có lợi thế hơn trong việc áp dụng các thông lệ tốt về phát triển bền vững, và do đó có tiềm năng tham gia thị trường carbon tự nguyện cao hơn, nhưng năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính và các bước về mặt kỹ thuật và quy trình để đo đếm, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc tham gia thị trường carbon vẫn gặp nhiều trở ngại. Qua đó cho thấy: nếu các doanh nghiệp lớn và có lợi thế còn gặp nhiều khó khăn thì các doanh nghiệp nhỏ hơn trong các ngành này lại càng có ít khả năng sẵn sàng hơn.
Bà Võ Hoàng Nga, Giám đốc ESG, TTC AgriS (Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa), cho hay doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu "Net Zero" cách đây 10 năm. Điểm thuận lợi là doanh nghiệp đã có sẵn công nghệ sản xuất phân hữu cơ. Tuy nhiên, điểm bất lợi là doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ các tiêu chí, phải áp dụng nhiều biện pháp thủ công trong thu gom chất thải, khiến chi phí tăng. Thêm vào đó, thời gian và chi phí để đăng ký dự án phát hành tín chỉ carbon kéo dài trung bình 2 -
3 năm, thậm chí có dự án kéo dài tới 4 năm.
Không chỉ gặp khó khăn trong khâu phê duyệt và triển khai dự án, tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp còn phản ánh những vướng mắc khác liên quan đến tín chỉ carbon. Một số doanh nghiệp cho biết dù đã phát hành được tín chỉ carbon, họ vẫn không thể bán ra thị trường, dù nhu cầu thực tế là rất lớn.
Một trường hợp cụ thể được nêu ra là doanh nghiệp sản xuất mía đường tại Thanh Hóa đã tiến hành giao dịch tín chỉ carbon theo hình thức doanh nghiệp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại do chưa có quy định hay hướng dẫn pháp lý rõ ràng cho mô hình này. Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Ngay khi xin cấp phép triển khai dự án, cơ quan chức năng đã rất lúng túng do thiếu khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực này.”
Theo bà Elvira Morella, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, IFC, để vận hành thị trường carbon hiệu quả, trước hết, phải bảo đảm tính toàn vẹn môi trường thông qua xây dựng và triển khai hệ thống MRV (các bước về mặt kỹ thuật và quy trình để đo đếm, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính) bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả, thực tiễn. Cùng với đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế tạo niềm tin cho thị trường và thu hút sự tham gia; nâng cao năng lực cũng như thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan đảm bảo tất cả các bên tham gia hiểu rõ cơ chế vận hành của thị trường và vai trò của mình trong đó.