Diện tích đăng ký vượt mục tiêu
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Ngay trong năm đầu triển khai, cả 12 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký tham gia Đề án, với tổng diện tích lên đến 1.015.000ha, vượt mốc mục tiêu đề ra. Các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang là những địa phương dẫn đầu về quy mô tham gia.

Lúa chất lượng cao được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/ký. Ảnh:CTV
Các mô hình canh tác tiên tiến mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, qua 7 mô hình thí điểm cấp trung ương và hàng trăm mô hình cấp tỉnh đã được triển khai cho thấy, nhiều lợi ích nổi bật: chi phí sản xuất giảm từ 8,2 - 24,2%, lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 1 - 4 lần, tiết kiệm 30 - 70kg phân bón/ha, giảm 30 - 40% lượng nước tưới mà tăng năng suất từ 2,4 - 7%; giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2 - 12 tấn CO₂/ha, lợi nhuận tăng 4 - 7,6 triệu đồng/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm lúa đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg, tạo động lực rõ rệt cho người dân.
Chia sẻ thành công bước đầu khi thực hiện đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết: năm 2025, tỉnh chọn một hợp tác đủ điều kiện tham gia sản xuất thí điểm với diện tích 50ha, sử dụng giống lúa ST25. Kết quả cho thấy, lợi nhuận tăng thêm khoảng 25%, giảm khí CO2 là 4 tấn/ha/vụ. Định hướng năm 2025 tỉnh tiếp tục chọn 8 mô hình điểm thí điểm với hơn 350ha nữa.
Không chỉ vậy, từ khi thực hiện đề án, chuỗi liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng, 620 hợp tác xã đã được xác định tham gia giai đoạn đầu, gần 200 doanh nghiệp, trong đó 40% có quy mô liên kết từ 200 ha trở lên, đã cùng hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ ổn định. Công tác đào tạo, tập huấn được đẩy mạnh, nhiều cán bộ hợp tác xã được đào tạo bài bản hơn, hàng trăm nông dân được tập huấn về đổi mới sáng tạo, cơ giới hóa và kinh tế tuần hoàn rơm rạ. Đặc biệt, 20 lớp chuyển đổi số đã được tổ chức, hỗ trợ hợp tác xã sử dụng phần mềm kế toán và truy xuất nguồn gốc.
Cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cũng cho biết, còn đó những khó khăn, lúng túng ban đầu trong thực hiện đề án. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng nhìn nhận: một số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong việc hiểu rõ nội hàm đề án. Đặc biệt, năm 2025 khi cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nhiều địa phương có tâm lý dè dặt trong tổ chức thực hiện, nhất là việc phê duyệt dự án và ban hành chính sách hỗ trợ cho nông dân tham gia đề án.

Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long háo hức tham gia đề án
Đáng nói, hạ tầng thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi nội đồng còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm; liên kết sản xuất bước đầu đã được hình thành nhưng còn yếu; người dân tham gia đề án chưa chủ động, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ; vốn đầu tư cho đề án, đặc biệt là các dự án vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) chậm được huy động và chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Nhiều nơi quan tâm đến việc tạo tín chỉ carbon hơn là cải thiện hạ tầng, kỹ thuật canh tác bền vững, điều này khiến hiệu quả lâu dài có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp chỉ mới đạt dưới 30%, chưa đủ mạnh để bảo đảm đầu ra ổn định. Nhiều doanh nghiệp còn trông chờ chính sách, thiếu chủ động tham gia. Hầu hết các hoạt động đang phụ thuộc ngân sách địa phương. Các thủ tục vay vốn từ WB và TCAF còn chậm, làm gián đoạn tiến độ triển khai. Một số quy định quan trọng liên quan đến thị trường carbon, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật vẫn đang trong quá trình xây dựng, gây khó khăn cho địa phương khi triển khai đồng bộ.
Khẳng định hoạt động sản xuất theo hướng phát thải thấp và bền vững là xu hướng tất yếu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đang tiếp tục triển khai diện tích trồng lúa chất lượng cao phát thải thấp 312.743ha trong năm 2025. Để đạt mục tiêu đến năm 2030, Bộ đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành diện tích đăng ký, ưu tiên áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải như tưới ngập khô xen kẽ (AWD), bón phân hợp lý, quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn và triển khai đồng loạt mô hình ở cấp cơ sở để tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn 2026 - 2030.
Điều nhiều nông dân, các nhà khoa học, người kinh doanh đều mong muốn là song song với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ sản xuất, đầu tư cho hệ thống thủy lợi, kho chứa, trạm sấy và trung tâm logistics, cần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV). Đây là công cụ then chốt giúp theo dõi chính xác hiệu quả giảm phát thải; đồng thời là cơ sở pháp lý để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế, mở ra cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư mới.