Rào cản pháp lý đã được tháo gỡ
“Chủ đề năng lượng sạch hiện rất nóng, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu. Đây là vấn đề bắt buộc để hoàn thành mục tiêu Net Zero 2050”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) Đinh Hồng Kỳ chia sẻ tại Tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp", do Báo Người lao động tổ chức ngày 10.4.

Cũng theo ông Kỳ, đầu tư cho điện sạch, năng lượng tái tạo đang là vấn đề cấp bách hiện nay, trong bối cảnh giá điện khá cao, EVN đang phải bán dưới giá thành và Nhà nước phải bù lỗ nên chắc chắn Chính phủ sẽ phải có lộ trình tăng giá điện trong thời gian tới. Điều này gây áp lực ngày càng lớn với doanh nghiệp, buộc phải tìm nguồn điện bổ sung.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà từ nhiều năm nay và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, lượng điện dư thừa chưa có cơ chế giải quyết. Ngày 3.3.2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (Nghị định 58) quy định cơ chế mua bán sản lượng điện dư cho EVN. “Đây thực sự là cứu cánh cho các doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời mái nhà, được giới doanh nghiệp vô cùng chờ đợi”, ông Kỳ nói.
Chia sẻ ý kiến trên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, Nghị định 58, cùng với Nghị định số 56/2025/NĐ-CP (quy định chi tiết Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện lực), Nghị định số 57/2025/NĐ-CP (quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện với quy mô lớn), đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có hướng xử lý lượng điện dư thừa. Quy định này "cởi trói" đáng kể cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net Zero. Cũng bởi thế, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm lớn đến việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Sự quan tâm của doanh nghiệp được Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh Bùi Trung Kiên minh chứng bằng số liệu cụ thể. Theo đó, kể từ khi Nghị định 58 được ban hành, số lượng khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lên gần 500 khách hàng, chủ yếu là các khách hàng lớn, với tổng công suất khoảng 46 MWp, tương đương 15% so với giai đoạn trước năm 2021. Tới đây, các doanh nghiệp lớn như Samsung, các nhà máy trong Khu công nghiệp Đông Nam sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống trên mái nhà xưởng, sản lượng điện mặt trời sẽ tăng đáng kể.
Tạo thuận lợi cho đầu tư năng lượng sạch
Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng phân tích, khi phát triển điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình và doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí đáng kể tiền điện hàng tháng. Điều này cũng giúp ngành điện giảm áp lực huy động các nguồn điện có giá thành cao, mang lại lợi ích cho toàn hệ thống và góp phần giảm áp lực lên giá điện, đồng thời góp phần giảm chi phí đầu tư vào lưới điện và cơ sở hạ tầng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đóng góp tích cực vào mục tiêu Net Zero. “EVN tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Nghị định 56 và Nghị định 58”, ông Dũng cam kết.
Để việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả thực sự, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC Lưu Mạnh Thức lưu ý, đầu tiên, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân cần kiểm tra và đánh giá kết cấu công trình hiện có để đánh giá mức độ đáp ứng được yêu cầu chịu lực và độ bền trong suốt vòng đời của hệ thống điện mặt trời (thường kéo dài khoảng 20 năm). Cùng với đó, phải tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điện lực cùng chính sách có liên quan; làm việc với đơn vị lắp đặt để xác định công suất phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, tối ưu hiệu quả vận hành. Việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, đã được kiểm chứng chất lượng và có đầy đủ chứng chỉ là điều hết sức quan trọng. Cần thực hiện bảo trì định kỳ theo quý hoặc theo năm để kéo dài tuổi thọ thiết bị, giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành.
Khẳng định Nghị định 58 đã tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, song ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng, vẫn cần xem xét điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể, theo quy định, dự án điện mặt trời mái nhà có công suất từ 1MW trở lên phải xin phép với nhiều thủ tục rất phức tạp. Điều này dẫn đến trường hợp “lách luật” bằng cách chia nhỏ dự án xuống dưới 1MW để đơn giản hóa quy trình thủ tục. Do vậy, cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh công suất này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch. Bên cạnh đó, quy định chỉ được bán lại tối đa 20% lượng điện dư thừa cho EVN cũng cần tính toán lại xem có cần nâng lên.
Mặt khác, Nghị định 58 quy định tổ chức, cá nhân sở hữu nguồn điện mặt trời mái nhà trước ngày 1.1.2021 và đang mua bán điện với đơn vị điện lực không được phát triển thêm nguồn điện làm tăng quy mô công suất đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, hiệu suất của tấm pin hiện nay tăng lên rất nhiều. “Vậy doanh nghiệp có được phép thay thế các tấm pin cũ bằng tấm pin mới không?”, ông Kỳ đặt vấn đề, đồng thời kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể.
Chia sẻ với đề xuất của doanh nghiệp về việc xem xét điều chỉnh được bán nhiều hơn 20% tổng công suất điện mặt trời mái nhà, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, để làm được điều này cần xây dựng văn bản pháp luật như cơ chế giá điện hai thành phần (ngoài chi phí điện năng còn có chi phí công suất, tức là trả phí thuê bao cho bên điện lực để chạy công suất dự phòng, như vậy có thể bán được nhiều hơn 20%); có cơ chế bán điện theo giờ thay vì cào bằng hiện nay. Cùng với xây dựng văn bản pháp luật, cần phải đầu tư cho hệ thống đo đếm, số hóa, điện tử hóa. “Lộ trình này cần một vài năm nữa”, ông Sơn nói.