Phát triển kinh tế xanh là mục tiêu hàng đầu
Hiện nay, cả nước có hơn 33.500 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực, trong đó hợp tác xã nông nghiệp chiếm hơn 64%, với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia. Kinh tế tập thể, với nòng cốt là các hợp tác xã, ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả. Thực tế cho thấy, nơi nào có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì nơi đó có tổ hợp tác và hợp tác xã. Nếu được phát triển đúng hướng, các mô hình này không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đóng góp vào tăng trưởng GDP, góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và áp lực hội nhập xanh, việc chuyển đổi hợp tác xã theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp trong khu vực này.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, phát triển kinh tế xanh đang là mục tiêu hàng đầu. Các trụ cột bao gồm: sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiếp cận dịch vụ và tài chính xanh, đầu tư và thương mại xanh, việc làm xanh, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng môi trường. Năm lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp công nghệ cao, đô thị và vận tải bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ đại dương.
Theo TS. Cấn Văn Lực, để hợp tác xã phát triển và đóng góp từ 4 - 5% GDP vào năm 2030, cần tích hợp chiến lược phát triển xanh vào quy hoạch kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương và từng hợp tác xã. Một giải pháp quan trọng là sớm ban hành Danh mục phân loại xanh, xác định ngành nghề ưu tiên và giao tổ chức độc lập xác nhận tiêu chí xanh. Đồng thời, cần xây dựng tiêu chí đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hỗ trợ tài chính qua ưu đãi thuế, phí, lãi suất; thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh và phát triển mô hình tín dụng hợp tác.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần thay đổi tư duy, xem chuyển đổi xanh là một khoản đầu tư chiến lược vào con người, công nghệ và thương hiệu. Cùng với việc thực thi hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024, cần sớm triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới, nâng cao năng lực cán bộ, tăng khả năng thu hút vốn và mở rộng liên kết với các thành phần kinh tế khác.
Cần khung chính sách hỗ trợ phù hợp
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), cho rằng, để chuyển đổi xanh thành công, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường. Các bộ, ngành cần sớm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng thời rà soát, điều chỉnh các chính sách liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ. Bên cạnh đó, khu vực này cần vượt qua rào cản tư duy, chủ động đổi mới, không phụ thuộc vào hỗ trợ Nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ và chuỗi giá trị.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã bền vững, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết: Trên thế giới, các hợp tác xã đi đầu trong bảo vệ môi trường và sản xuất năng lượng sạch với chi phí hợp lý, đồng thời tạo việc làm bền vững tại địa phương. Ở Đan Mạch và Thụy Điển, các trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất do hợp tác xã sở hữu; tại Đức, hợp tác xã vận hành tuabin gió phục vụ nhu cầu chuyển đổi năng lượng.
Theo bà Christensen, Việt Nam cần phát triển mạnh khu vực hợp tác xã. Chính sách bảo hiểm xã hội sau khi được sửa đổi đã cho phép hợp tác xã đóng bảo hiểm cho người lao động - một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, cần có các chính sách bảo vệ tốt hơn, đặc biệt trong trường hợp thiên tai, để bảo đảm an toàn tài sản, con người và phúc lợi cho thành viên hợp tác xã.