Mỹ áp thuế 46%, ngành rau quả bị ảnh hưởng nhưng không quá lớn
- Tình hình xuất khẩu rau quả trong quý I như thế nào, thưa ông?
- Tháng 3 vừa qua, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 420,5 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu rau quả suy giảm, khiến kim ngạch quý I chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2024. Tính cả quý, các doanh nghiệp "hụt thu" hơn 2.800 tỷ đồng.

Rau quả nước ta chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ trọng 44,5%; tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng lần lượt là 9,6% và 6%. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục sụt giảm, nguyên nhân chính nằm ở mặt hàng sầu riêng. Trung Quốc yêu cầu tất cả lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Điều này khiến không chỉ sầu riêng tươi mà cả các sản phẩm đông lạnh cũng gặp khó và nhiều doanh nghiệp chưa dám tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu cũng đang siết chặt kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam.
- Việc Mỹ dự kiến áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam tác động tới ngành rau quả như thế nào, thưa ông?
- Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt 360 triệu USD trong tổng kim ngạch 7,4 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập của Mỹ các mặt hàng táo, nho, lê, cherry khoảng 540 triệu USD, tức là Việt Nam đang nhập siêu 180 triệu USD. Nếu Mỹ áp thuế 46%, ngành rau quả cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhưng không quá lớn. Chúng ta vẫn có thể bán được những mặt hàng đặc sản như dừa tươi, sầu riêng dù sức tiêu thụ không mạnh.
Việc Mỹ hoãn áp thuế 46% trong 90 ngày tới là thông tin tích cực tạm thời với doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành rau quả nói riêng. Những doanh nghiệp có lô hàng đang vận tải trên biển có thể yên tâm, các đơn hàng của một số doanh nghiệp cũng đã được nối lại. Doanh nghiệp rau quả cũng đang đẩy mạnh bán thêm các sản phẩm đã chế biến vì hạn sử dụng lâu hơn.
Về lâu dài, VINAFRUIT và cộng đồng doanh nghiệp vẫn bình tĩnh chờ kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ để đánh giá tình hình, tìm giải pháp tiếp tục rút ngắn khoảng cách thâm hụt thương mại. Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu trái cây Mỹ xuống 0% để tăng tiêu thụ, giúp giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
- Với diễn biến hiện nay, theo ông, liệu năm nay xuất khẩu rau quả có thể đạt mục tiêu 7,6 tỷ USD hay không?
- Ông bà ta có câu “đầu xuôi đuôi lọt”, xuất khẩu rau quả sụt giảm trong quý I là diễn biến trái ngược hoàn toàn so với năm trước. Nếu tình trạng này kéo dài, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2025 không thể đạt mục tiêu 7,6 - 8 tỷ USD. Dự báo có thể đạt trên dưới 6 tỷ USD, giảm 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2024.

Hiện nay, ngành vẫn còn khó khăn trong việc kiểm soát được chất lượng, sản xuất không tập trung dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Lâu nay chúng ta chỉ kiểm soát chất lượng ở phần ngọn chứ không phải cái gốc của vấn đề. Trong bối cảnh, xuất khẩu sang thị trường lớn như Trung Quốc sụt giảm, thêm vào đó là chính sách thuế quan mới của Mỹ, ngành rau quả cần có góc nhìn thực tế để điều chỉnh phù hợp.
Đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1 - 2 năm
- Điều chỉnh ở đây cần tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- Điều quan trọng là cần tăng cường chất lượng sản phẩm rau quả, đặc biệt là sầu riêng để mặt hàng này có thể xuất khẩu được nhiều hơn. Cần chủ động tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán với thị trường Trung Quốc; xử lý tận gốc vấn đề chất lượng, nếu chỉ kiểm soát phần ngọn thì không ăn thua.
Các doanh nghiệp cần hết sức nỗ lực trong việc khắc phục rào cản về quy trình sản xuất, quy trình giao nhận, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu phía nhà nhập khẩu đề ra. Tăng cường đa dạng hóa thị trường, đa dạng các sản phẩm. Bên cạnh đó, cần nắm bắt yêu cầu của từng thị trường và từng bước nâng cao thị phần. Ngoài các sản phẩm rau quả tươi thì cần đầu tư phát triển những sản phẩm chế biến và chế biến sâu.
Bên cạnh đó, với những mặt hàng mới như bưởi, dừa, bơ, na, chanh không hạt... các bộ, ngành cần tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường.
- Ngành rau quả cần sự hỗ trợ như thế nào của Nhà nước, thưa ông?
- Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, kinh tế tư nhân hiện nay đang được xem là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế; trong đó các doanh nghiệp về nông sản, rau quả cũng rất cần được quan tâm.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp rau quả, nhất là sầu riêng đang chịu thua lỗ. Năm 2025, ngoài việc mở rộng thị trường, làm việc đối tác, bảo đảm chất lượng thì vấn đề vốn, thuế cũng phải được quan tâm để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhà nước có thể hỗ trợ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1 - 2 năm. Đây sẽ là động lực lớn cho doanh nghiệp của ngành.
- Xin cảm ơn ông!