Hiện nay, cơ quan thực hiện chính sách là chính quyền cấp tỉnh, cơ quan tham mưu là các sở chuyên ngành đang đóng vai trò quan trọng. Ông Tiến đề xuất nên chăng, nên tách Sở Môi trường giống như các nước tiên tiến thì mới thúc đẩy được Luật Môi trường đi vào cuộc sống. Bởi, hiện nay thời lượng, năng lượng, thời gian giành cho môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu của luật và thực tiễn. Để quản lý tốt việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung cần áp dụng nguyên tắc hình tượng 5 bàn tay gồm chính quyền, người dân, cơ quan cung cấp dịch vụ, cơ quan cấp bộ và cơ quan truyền thông và 5 bàn tay này phải gắn chặt với nhau. Làm sao để hành vi bỏ rác, phân loại rác trở thành hành vi văn minh hàng ngày của từng người dân thì vai trò của chính quyền là rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên trì.
Ông Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến xử phạt hành vi vứt rác. Nếu không xử lý được thì không thay đổi được hành vi của người dân. Sau khi phân loại thì rác hoàn toàn có thể thành tài nguyên, nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất từ nguyên liệu tái chế thường sẽ đắt hơn từ nguyên liệu nguyên sinh, nguyên liệu thông thường. Do đó, đầu tiên cần phải có chính sách hỗ trợ về giá bán hoặc giá thành sản xuất thì hiện nay luật, thông tư đều quy định cụ thể. Nhưng để hỗ trợ đưa sản phẩm tái chế ra cạnh tranh với hàng hóa thông thường là vô cùng khó.
Để làm được điều đó, phải có cơ quan chính quyền nào đó xác nhận đó là sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh và cần khuyến khích tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay bình diện chung chưa có chính sách nào để thúc đẩy khuyến khích người tiêu dùng để thay đổi thói quen tiêu dùng.
Liên quan đến những chính sách trong Nghị định 08 đã có như chính sách thuế, chính sách đầu tư nhưng thực tế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được những chính sách đó là rất khó. Nhấn mạnh điều này, ông Tiến đề nghị các chính sách cần được cụ thể hóa vì lĩnh vực tái chế rất rộng có hàng trăm mã khác nhau. Kinh nghiệm ở một số nước là họ có chính sách rất cụ thể và sẽ điều hành hàng năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ví dụ trong lĩnh vực tái chế nhựa, họ sẽ hỗ trợ chính sách ban đầu để cạnh tranh trong thị trường, khi có thể đứng vững thì họ sẽ dừng hỗ trợ để hỗ trợ cho những sản phẩm mới đầu đưa ra thị trường còn khó tiếp cận.
Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có những chính sách giá bán hoặc giá thành sản xuất và điều hành chính sách linh hoạt cho từng sản phẩm để cho những sản phẩm có nguồn từ tái chế có thể cạnh tranh bình đẳng được với những sản phẩm nguyên sinh, sản phẩm thông thường. Thêm một vấn đề nữa là cần miễn thuế, ví dụ như thuế VAT - ông Tiến đề nghị.