Mới đây, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1 (TP.HCM) và Bệnh viện Đa khoa Bình Dương do xả thải không đúng quy định.
Theo các chuyên gia, nước thải y tế chứa nhiều loại vi khuẩn, vi rút và các mầm bệnh sinh học khác, thậm chí cả chất phóng xạ (được sử dụng trong hoạt động chụp chiếu, thăm dò hình ảnh) nên cần phải được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt, có sự giám sát, đánh giá chặt chẽ.
Mỗi ngày có khoảng 2.825 m3 nước thải y tế xả ra môi trường
Theo kết quả báo cáo quản lý chất thải y tế năm 2023 của Sở Y tế Đà Nẵng, tổng số nước thải y tế phát sinh và được xử lý của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố là 1.031.195 m3/năm, trong đó cơ sở y tế công lập: 897.439 m3/năm, cơ sở y tế dự phòng công lập: 5.624 m3/năm, bệnh viện tư nhân: 128.132 m3/năm. Như vậy, nước thải y tế phát sinh và được xử lý của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trung bình trong một ngày khoảng 2.825 m3/ngày, đêm.
Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay, theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, cơ sở y tế có chất thải y tế được xử lý thải ra môi trường có hệ thống xử lý nước thải tập trung (của thành phố Đà Nẵng) cần phải đạt cột B theo quy chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT với 15 thông số. Đối với cơ sở y tế có chất thải y tế được xử lý thải ra môi trường không có hệ thống xử lý nước thải tập trung cần phải đạt cột A theo quy chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT.
Các đơn vị y tế không thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải định kỳ, liên tục, tự động theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, các đơn vị y tế đã chủ động thực hiện quan trắc nước thải định kỳ (03 – 06 tháng/lần), nội dung này đã được cam kết trong hồ sơ giấy phép môi trường của các đơn vị y tế.
Kết quả quan trắc nước thải định kỳ của các đơn vị y tế nhìn chung đều đạt tiêu chuẩn về cột B QCVN 28:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế đối với 15 thông số theo quy định.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, kết quả quan trắc nước thải định kỳ của một số cơ sở y tế mà Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh trước đó như: Trung tâm Y tế Sơn Trà, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn thì mẫu nước thải của một số đơn vị có các chỉ số như: Amoni, TSS… không đạt. Thậm chí, có kết quả quan trắc có phát hiện khuẩn E.coli trong thành phần nước thải.
Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Hương, giảng viên chuyên ngành Công nghệ môi trường - Đại học Đà Nẵng, nếu chiếu theo quy chuẩn Việt Nam số 28:2010/BTNMT thì nước thải của các cơ sở y tế phải được xử lý và khử trùng qua hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Bởi trong nước thải y tế có một lượng lớn các vi khuẩn, mầm bệnh và hóa chất, gây tác hại rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Việc vận hành xử lý thủ công nước thải y tế sẽ không đảm bảo độ chính xác, gây ra tình trạng một số chỉ số vượt quá ngưỡng khi thải ra môi trường. Đặc biệt, những chất dịch, máu của bệnh nhân phải thu gom riêng, không được thải chung vào nước sinh hoạt của cơ sở y tế.
Người dân khốn khổ vì nước thải bệnh viện
Theo các bác sĩ, chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn thì nguồn nước thải y tế không đạt chuẩn xả ra môi trường hoặc tự thẩm thấu vào lòng đất sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe người dân cũng như môi trường sống. Ngay tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nhiều năm qua hệ thống xử lý nước thải của cơ sở y tế này đã dừng hoạt động. Hệ thống dẫn nước thải bị hư hỏng không thu gom được nước thải, do đó nước thải của bệnh viện “tự thẩm thấu” vào lòng đất, chứ không qua hệ thống xử lý.
Sinh sống ngay gần bức tường ngăn cách giữa Trung tâm Y tế quận Sơn Trà và khu dân cư tổ 25 An Trung (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), bà Lâm Tư Sa cho biết, hàng ngày, nước thải từ bệnh viện chảy qua lỗ hỏng, tràn ra con kênh hở bốc mùi hôi thối nồng nặc. Vào thời điểm sáng sớm hoặc đầu giờ chiều, khi bệnh viện bắt đầu giặt giũ nhiều thì lượng nước xả ra càng lớn.
“Vào mùa nắng, mùi hôi từ con kênh bốc lên khiến cả khu dân cư ngộp thở. Ngay mùa hè mà nhiều gia đình phải đóng kín cửa để ngăn mùi hôi thối xông vào”, bà Sa bức xúc nói.
Còn theo ông Lê Duy Mỹ (tổ 25 An Trung), quán cà phê của gia đình ông nằm ngay sát bên hông bệnh viện nên ngày nào cũng phải hứng chịu mùi hôi thối tràn sang. Chỉ về phía con kênh đen ngòm, chảy qua khu dân cư đông đúc, ông Mỹ ngao ngán: “Trước đây, con kênh này rất sạch sẽ nhưng mấy năm trở lại đây thì bị ô nhiễm nặng bởi dòng nước thải từ bệnh viện chảy ra. Lo lắng cho sức khỏe của cư dân trong xóm, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết, xử lý triệt để mùi hôi, nước thải. Nhưng phía Bệnh viện, chính quyền địa phương có đi kiểm tra một vài lần rồi thôi, ô nhiễm vẫn còn đấy”.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và UBND TP. Đà Nẵng ngày 15.10, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế Lương Mai Anh cũng đã cảnh báo hệ thống xử lý nước thải y tế của một số đơn vị y tế tại TP. Đà Nẵng chưa đảm bảo yêu cầu an toàn khi xả thải ra môi trường. Từ đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hỗ trợ Sở Y tế thực hiện đúng quy định.
(Còn nữa)