LTS: Nước thải từ các cơ sở y tế chứa rất nhiều loại vi khuẩn, mầm bệnh nguy hiểm nên việc thu gom, xử lý và xả ra môi trường phải được tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt. Nhưng có một thực tế đáng lo ngại là hệ thống xử lý nước thải của một số bệnh viện, Trung tâm y tế ở TP. Đà Nẵng đã “quá đát” hoặc tạm dừng vận hành do hỏng hóc, khiến nguồn nước thải ra môi trường không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.
Dù xác định nguồn nước thải này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe người dân nhưng công tác xử lý, khắc phục còn nhiều bất cập. Trong khi đó, thủ tục đầu tư mới gặp nhiều vướng mắc do phải gắn liền với nhiều quy trình pháp lý liên quan.
Trước thực trạng nêu trên, Báo Đại biểu Nhân dân có loạt bài phản ánh cũng như đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo từ các chuyên gia, nhà quản lý để xử lý “vấn nạn” này nhằm xây dựng môi trường ngày một trong lành hơn.
Nhiều hệ thống xử lý nước thải y tế lỗi thời, hỏng hóc, nước thải ra môi trường không đạt chuẩn
Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) được đầu tư xây dựng (giai đoạn 1) với kinh phí hơn 241 tỷ đồng gồm khu nhà cao 9 tầng hiện đại, khang trang. Công trình vừa được đưa vào vận hành có quy mô 180 giường bệnh cùng nhiều khu chức năng như: khu khám chữa bệnh, khu phẫu thuật, khu chẩn đoán hình ảnh…
Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù mới được đầu tư mới nhưng cơ sở y tế này vẫn đang phải sử dụng hệ thống xử lý nước thải của khu bệnh viện cũ trước đây. Hệ thống xử lý thường xuyên gặp sự cố khiến nguồn nước thải xả ra môi trường không đảm bảo, nước bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Có mặt tại hiện trường khu vực xử lý nước thải của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, theo chứng kiến của PV, hầu hết thiết bị xử lý nước thải đã khá cũ, nhiều loại máy móc không còn hoạt động.
Toàn bộ hệ thống nước thải trong bệnh viện bao gồm nước thải sinh hoạt của bệnh nhân, cán bộ công nhân viên làm việc trong bệnh viện; nước thải từ các phòng phẫu thuật, phòng xét nghiệm, phòng thí nghiệm, từ các nhà vệ sinh, từ phòng giặt… đều được dồn về khu vực này để xử lý, trước khi xả ra môi trường qua hệ thống cống thoát nước chung của thành phố. Khu vực này bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu.
Tại các bể lắng, khu khử trùng đều nằm lộ thiên, không được che đậy. Bên trong còn tồn lại một lượng nước màu đen, đóng váng và bốc mùi hôi. Khi tiến hành bơm nước vào hệ thống bể lắng, nước thải xì ra từ các đường ống cũ, chảy lênh láng dọc theo đường kênh được xây bằng xi măng. Nước từ khu bể khử trùng cũng rất ít, nhiều ngăn đã mọc rêu, cây cối che khuất do lâu ngày không được sử dụng.
Nước thải từ khu bể được xả thẳng ra miệng cống, nằm sát ngay bức tường ngăn cách bệnh viện với khu dân cư. Tại khu vực bể lọc RBC có “tuổi thọ” từ năm 2016 chuyên dùng để xử lý nước thải, nhằm giảm thiểu các chất ô nhiễm cacbon (BOD) hoặc BOD/nitrat hóa nhưng cũng đã hư hỏng, không còn hoạt động. Những đường ống nhựa cũ kĩ xì ra đầy nước thải mỗi khi hệ thống bơm được bật lên.
Sinh sống ngay phía sau bức tường ngăn cách khu vực xử lý nước thải và khu dân cư, ông Lê Duy Mỹ (tổ 25, An Trung, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) ngao ngán nói: “Nước thải từ bệnh viện chưa qua xử lý chảy ra bốc mùi hôi thối, khiến dân quanh vùng không chịu nổi. Vào mùa hè, mùi thối càng nồng nặc. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cũng như bệnh viện có phương án xử lý nhưng nước thải vẫn ‘vô tư’ chảy ra bên ngoài, tạo thành dòng suối đen ngòm”.
Vận hành kiểu “áng chừng”
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, ông Nguyễn Cơ – Trưởng phòng Hành chính, Tổ chức (Trung tâm Y tế quận Sơn Trà) cho biết, theo thiết kế ban đầu thì hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm vào khoảng 67m3/ngày, đêm cho quy mô 270 giường bệnh. Tuy nhiên, từ năm 2021, hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm xảy ra sự cố, hỏng hóc. Do rơi vào khoảng thời gian chống dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân nhập viện ít nên hệ thống này gần như “đắp chiếu”.
Sau dịch, Trung tâm đã đã tiến hành sửa chữa nhưng chỉ khắc được các chi tiết đơn giản và vận hành được một thời gian ngắn thì hư hỏng nặng. Để tạm thời xử lý nước thải, Trung tâm phải cử cán bộ trực 24/24 để vận hành hệ thống này bằng cơ học (bằng tay), đổ thêm hóa chất xử lý vào các bể phốt, bãi lắng.
Theo ông Cơ xác nhận thì Sở Tài nguyên và Môi trường cùng một số cơ quan chức năng đã xuống kiểm tra chất lượng nước thì có một chỉ số vượt ngưỡng. Ngoài ra, căn cứ trên cơ sở kết quả đo của Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện cũng đã tăng cường thêm hóa chất để xử lý nước thải y tế.
Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống bằng tay cũng như không có các máy đo, thiết bị quan trắc chính xác nên rất khó đảm bảo được lượng nước xả thải ra môi trường đạt chuẩn. Việc xác định các chỉ số, đo lường kết quả nước cũng không có. Lãnh đạo bệnh viện cũng thừa nhận việc vận hành hệ thống xử lý nước thải theo kiểu “áng chừng” như thế này tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang có chủ trương đầu tư giai đoạn 2 Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Trong đó, dự kiến sẽ có hạng mục xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện. Tuy nhiên, từ nay cho đến thời điểm được đầu tư, nước thải y tế từ cơ sở này vẫn xả ra môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lây lan mầm bệnh.
(Còn nữa)