Nước thải không biết đã đi đâu (!?)
Được xây dựng từ cách đây gần 20 năm, Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó là hệ thống xử lý nước thải cũng đã “đứng bánh” từ suốt nhiều năm qua.
Chiều ngày 23.10, có mặt tại khu vực xử lý nước thải y tế của Trung tâm, ngoài khu nhà điều hành cũ kĩ, không còn sử dụng được trưng dụng để chứa máy bơm hư cùng nhiều loại phế thải thì hai bể phốt của Trung tâm trở thành bể chứa đủ loại nước dồn về.
Theo lãnh đạo Bệnh viện, sau khi hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện gặp sự cố đã có báo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật - CDC Đà Nẵng để phối hợp kiểm tra, tìm cách xử lý. Theo đó, phương án là thu gom hết tất cả các loại nước thải về bể phốt. Sau đó, dùng hóa chất (Chloramine) thả vào.
Trung bình mỗi tuần sẽ tiến hành thả hóa chất một lần. Đối với hệ thống máy bơm cùng các thiết bị xử lý chất thải khác thì đã hư hỏng 3-4 năm nay, chưa sửa chữa được. Việc thả hóa chất vào bể phốt gần như là “phương án chữa cháy” duy nhất để xử lý nguồn nước thải.
Theo tìm hiểu, khi kiểm tra hệ thống nước thải từ Trung tâm đấu vào cống xả thải của thành phố thì “không phát hiện giọt nước nào” (!?). Như vậy, có thể nguồn nước thải y tế từ Trung tâm đã thẩm thấu vào đất hoặc chảy ra các khu vực xung quanh.
Một cán bộ phòng Tổ chức – Hành chính của Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, do số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị khá ít nên lượng nước thải ra chủ yếu là nước sinh hoạt. Bệnh viện mong muốn thành phố sớm đầu tư, xây mới Trung tâm y tế quận cũng như hệ thống xử lý nước thải đi kèm để đảm bảo yêu cầu về khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Nước thải y tế bị “thất thoát”
Cũng chung tình trạng, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hệ thống xử lý nước thải cũng đã “quá đát”, hoạt động phập phù. Theo bà Phan Thị Thu Hoài – Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính của bệnh viện thì hệ thống này được xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay. Qua một thời gian hoạt động, nhiều thiết bị máy móc, hệ thống ống dẫn nước đã hư hỏng nặng.
Theo biên bản kiểm tra mới đây của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hiện trạng hệ thống xử lý nước thải có công suất nhỏ không đáp ứng quy mô 100 giường hiện nay của bệnh viện; Công nghệ xử lý lạc hậu, chất lượng nước thải sau xử lý không đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; Hệ thống máy bơm, bể sục khí, bể chứa qua thời gian vận hành không được duy tu bảo dưỡng đã hư hỏng, xuống cấp; Đã hỏng một máy thổi khí, tháp sinh học đã bị rò rỉ nước thải ra ngoài, bể chứa nước thải đã qua xử lý bị nứt, thấm nước ra bên ngoài.
Hiện trạng hệ thống thu gom nước thải ngoài nhà gồm: đường ống đấu nối từ bể tự hoại vào hố ga ngoài nhà sử dụng ống nhựa uPVC D110; đường ống thu gom nước thải về bể xử lý sử dụng ống nhựa uPVC D150 và D200.
Đối với hố ga thu nước thì thành xây gạch, nắp đan bê-tông cốt thép. Hệ thống thu gom nước thải bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, một lượng lớn nước thải bị thất thoát dọc hệ thống đường ống thu gom không qua hệ thống xử lý, thấm trực tiếp vào đất gây ô nhiễm nguồn nước.
Mặt khác, kết quả kiểm tra cũng chỉ rõ, hệ thống đường ống thu gom chưa đấu nối hết vào các nguồn xả thải nên chưa thu gom hết nước thải phát sinh trong Bệnh viện dẫn đến có sự chênh lệch lớn giữa số liệu nước sử dụng và lượng nước thải đã qua xử lý.
Qua tìm hiểu, Bệnh viện Phổi là nơi thực hiện các thủ thuật chọc, hút dịch từ bệnh nhân cũng như làm một số thủ thuật khác cần phải tẩy rửa, vệ sinh dụng cụ. Nếu nguồn dịch này cũng như các loại hóa chất không được xử lý đúng thì sẽ phát tán mầm bệnh ra ngoài.
Trước thực trạng hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện xuống cấp trầm trọng, CDC Đà Nẵng đã yêu cầu bệnh viện phải dung hóa chất xử lý ngay các phần dịch của bệnh nhân (bằng hóa chất) trước khi xả ra môi trường bên ngoài.
Trong thời gian chờ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới, bệnh viện sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo công suất 100m3/ngày, đêm. Tiến hành nạo vét, hút bùn cặn, bùn dư và vệ sinh toàn bộ các bể hệ thống xử lý; Cải tạo, xây dựng bể điều hòa, bể SBR, bể khử trùng, bể chứa bùn tại bể yếm khí hiện hữu; Sử dụng lại 2/3 máy thổi khí cung cấp khí cho hệ vi sinh (bể SBR); Nuôi cấy vi sinh đảm bảo mật độ vi sinh > 1010 CFU/g (thể tích bùn hiếu khí 50/250 ml với thời gian lắng trong 15 phút).
(Còn nữa)