Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi
Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền. Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự thảo Luật còn quy định, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cùng với đó, dự thảo Luật quy định việc đa dạng hóa hình thức bồi thường, quy định về trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc. Bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ...
Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với đất bị thu hồi thời gian qua đã từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Nêu vấn đề này tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) nhấn mạnh, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và cần được thực hiện một cách công khai, có giám sát, đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi. Cùng với đó, việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Góp ý vào quy định tại Điều 86 dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung nguyên tắc “có sự đồng thuận” và “sớm ổn định cuộc sống của người bị thu hồi đất”; đồng thời, bổ sung nguyên tắc “hỗ trợ, động viên, tuyên dương các hộ gia đình, cá nhân gương mẫu chấp hành và chủ động bàn giao mặt bằng sớm hơn thời hạn”, để qua đó động viên, khuyến khích những cá nhân, hộ gia đình gương mẫu, góp phần đẩy nhanh tiến độ của công tác thu hồi đất, tái định cư đối với các dự án, nhất là các dự án đầu tư vì mục đích xây dựng các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng.
Khoản 3, Điều 86 dự thảo Luật quy định: Người có quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản gắn liền với đất, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh do phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại”. Khoản 4, Điều 86dự thảo Luậtquy định: Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị nội dung này cần được xem xét một cách thấu đáo hơn, bảo đảm quyền lợi của người dân; cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn các nguyên tắc “được bồi thường thiệt hại” và “xem xét hỗ trợ”. Bởi lẽ, khi các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất thì họ sẽ mất đi khoản thu nhập thường xuyên mà lẽ ra họ vẫn được hưởng nếu không có việc thu hồi đất.
Làm rõ nội hàm “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”
Dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm trong Nghị quyết 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó, quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và người dân bị thu hồi đất phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần cụ thể hóa hơn nữa quan điểm, chủ trương của Đảng về việc bảo đảm người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ sau khi có đất bị Nhà nước thu hồi. ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị, cần làm rõ nội hàm của việc bồi thường và hỗ trợ. Bồi thường là tất cả thiệt hại còn hỗ trợ là ngoài chính sách của Đảng, Nhà nước thì hỗ trợ thêm. Việc tạo sinh kế không phải là hỗ trợ mà là trách nhiệm của nhà nước với người dân có đất thu hồi. Đại biểu cũng cho rằng, cần sử dụng nhiều hơn cơ chế thị trường để giải quyết tốt vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi. Theo đó, thay vì tổ chức khoá đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi, Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ đưa họ vào các trường nghề đã có sẵn, tuỳ theo nhu cầu, nhằm đa dạng hoá đào tạo nghề và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị bổ sung nguyên tắc “Khu tái định cư phải được hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi ban hành quyết định thu hồi đất” để bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất theo đúng phương châm “bằng hoặc tốt hơn so với nơi ở cũ” cho người bị thu hồi đất khi chuyển đến khu tái định cư để người chuyển đến các khu tái định cư không phải mòn mỏi chờ đợi các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện. Đồng thời bổ sung một số công trình hạ tầng xã hội cần thiết như: khu công viên cây xanh; khu vui chơi cho thiếu nhi; đất nghĩa trang… nhằm bảo đảm những người đến ở tại khu tái định cư có cuộc sống ổn định, tốt đẹp, môi trường xanh, sạch, thân thiện và đầy đủ các dịch vụ cần thiết. Dự thảo Luật cũng cần có quy định “khu tái định cư có thể bố trí cho người có đất bị thu hồi của nhiều dự án”, như vậy có thể có những khu tái định cư có quy mô lớn, dân số đông.
Thực tế cho thấy, nhiều khi Nhà nước giải quyết tái định cư xong nhưng không gắn với bảo đảm ổn định cuộc sống cho người có đất bị thu hồi, không phù hợp với bản sắc văn hoá thì người dân không ở. Xuất phát từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, nội hàm “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần bao hàm cả về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm sinh kế lâu dài gắn với các yếu tố văn hoá, cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, khi nghiên cứu việc bồi thường tái định cư, dự thảo Luật nên quy định về nguyên tắc trên cơ sở phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương, không chỉ giao phó cho Hội đồng bồi thường và hỗ trợ tái định cư, mà cần dựa trên điều tra xã hội học thực tế để đưa ra phương án phù hợp, trên nguyên tắc gắn với sinh kế lâu dài cho người dân. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư rất quan trọng, tạo tiền đề cho sự đồng thuận của người dân khi Nhà nước thu hồi đất với nhiều mục đích khác nhau, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.