ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang):
Cân nhắc quy định cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm
Liên quan đến quy định về ngân hàng được làm đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 105, dự thảo Luật, theo quy định hiện hành, 2 loại bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp có mức chiết khấu tối đa cho phí bảo hiểm năm đầu là 40%. Có dư luận cho rằng, năm 2021-2022 và quý I.2023, một số ngân hàng thương mại có hiện tượng gợi ý khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí khoảng 3 - 4% giá trị khoản vay; có nơi gợi ý mua thì sẽ duyệt nhanh hồ sơ vay vốn, có nơi lại là điều kiện để được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, một số ngân hàng thương mại đã giao chỉ tiêu hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm cho nhân viên.
Ngân hàng thương mại là một định chế đặc biệt, trong mối quan hệ vay vốn với ngân hàng, thì người đi vay cơ bản là yếu thế. Vì vậy, để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ người đi vay, quy định cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm cần được cân nhắc, nhất là bảo hiểm nhân thọ.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương XI, Điều 185 và Điều 189 liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm có hoặc không có gắn với quyền sử dụng đất như dự thảo Luật sẽ chưa giải quyết được 2 tình huống đang xảy ra trong thực tế. Đó là tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất, nhưng người bảo đảm đang nợ tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất và các khoản thu khác, như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền chậm đưa đất vào sử dụng, tiền phạt chậm nộp hoặc sau khi tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm đó sau một thời gian mới chuyển nhượng, thì kể từ thời điểm nhận tài sản bảo đảm gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai có thuộc trách nhiệm của tổ chức tín dụng hay không? Việc không đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai trong giai đoạn cầm giữ tài sản của tổ chức tín dụng có bị tính tiền phạt hay không?
Để giải quyết tình huống này, đề nghị, bên mua khoản nợ hoặc tổ chức tín dụng khi nhận tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải nhận các nghĩa vụ về thuế, phí, khoản chậm nộp liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân có tài sản bảo đảm tính từ thời điểm nhận tài sản trở về trước. Đồng thời, quy định thêm trong thời gian tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm nhưng chưa xử lý thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quyền sử dụng đất có tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật và không bị tính tiền phạt chậm đưa đất vào sử dụng nếu có.
ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình):
Ngân hàng có tiền, doanh nghiệp cần vốn, nhưng không thể vay - tháo gỡ như thế nào?
Dự thảo Luật lần này đưa ra các quan điểm xây dựng luật chủ yếu tập trung cho “phòng, chống” là chính. Theo tôi, cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp đang rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh và nhu cầu về tiêu dùng người dân cũng vậy.
Chúng ta hiện đang vướng, ngân hàng có tiền nếu theo cơ chế hiện nay thì không thể cho doanh nghiệp vay, mà doanh nghiệp cần nhiều tiền thì chúng ta tháo gỡ như thế nào? Tôi đề nghị trong mục đích và quan điểm xây dựng luật (gồm 3 phần), Ban soạn thảo nên đặt phần làm sao có cơ chế, chính sách rõ ràng để xây dựng Luật mà người dân và doanh nghiệp tiệm cận được với nguồn tài chính này. Ban soạn thảo nên đi theo hướng nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân như thế nào? Trong bối cảnh chúng ta đang vướng về cơ chế, Luật phải đưa ra được cơ chế để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiệm cận với số vốn chúng ta đang sẵn có, thì mới giải quyết được bức xúc của xã hội cũng như tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân.
Về phòng, chống sở hữu chéo, chúng ta đã đề ra rất lâu rồi, nhưng không đơn giản. Việc này ngân hàng làm được, tức là vẫn nằm trong khuôn khổ Quốc hội cho phép. Cho nên, chúng ta không nên vội vàng đánh giá việc này xấu đến mức phải đưa ra một luật chỉ có “phòng, chống”; nên có một chương hoặc một phần rất quan trọng là xây dựng một định chế như thế nào để người dân và doanh nghiệp có thể tiệm cận được dòng vốn.
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng):
Đánh giá kỹ tác động của đề xuất giảm giới hạn cấp tín dụng
Tôi thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng. Về giới hạn cấp tín dụng tại Điều 127, so với quy định của Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng giảm khá lớn, từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại đối với một khách hàng và từ 25% xuống còn 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại đối với một khách hàng và người có liên quan, bao gồm cả tổng mức mua đầu tư vào trái phiếu do khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó phát hành để hạn chế rủi ro tập trung tín dụng và hạn chế sở hữu chéo.
Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Chỉ tiêu nợ, dư nợ tín dụng của ngân hàng trên GDP của chúng ta hiện nay ở mức rất cao, 125% GDP và cao hơn mức trung bình của thế giới, trong khi đó hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có những trường hợp vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo phải đánh giá kỹ tác động của đề xuất việc giảm tỷ lệ này, đồng thời cần có quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp giới hạn cấp tín dụng vượt quá quy định khi Luật được thi hành.
Về Quỹ dự trữ tài chính tại Điều 138, so với Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Ban soạn thảo đề xuất nâng tỷ lệ trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ vốn được cấp từ 5% lên 10% lợi nhuận sau thuế. Tôi cơ bản tán thành với đề xuất này nhằm tạo nguồn bổ sung vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn Basel II, đồng thời đáp ứng được tốc độ tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, đối với các tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc có vốn tham gia của Nhà nước, đề nghị quy định theo hướng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tức là toàn bộ các khoản lợi nhuận sau thuế nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng trên thì bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm. Ngoài ra, việc xác định cụ thể mức bổ sung vốn điều lệ đối với các tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc có vốn tham gia chi phối của Nhà nước cần căn cứ theo hiệu quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh của từng tổ chức tín dụng và sự cần thiết để tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước trong các tổ chức tín dụng này theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Do đó, tôi đề nghị không quy định quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp, được trích hàng năm theo tỷ lệ 10% lợi nhuận sau thuế đối với các tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc có vốn tham gia chi phối của Nhà nước.
ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An):
Bổ sung một chương hoặc mục riêng quy định về hoạt động của các ngân hàng chính sách
Liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách, Điều 17 dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung, nhưng chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính, tổ chức lại, giải thể và các nội dung khác có liên quan đến Ngân hàng Chính sách. Vì vậy, Chính phủ khó có cơ sở để quy định chi tiết, bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là Chính phủ ban hành Nghị định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật.
Về vấn đề này, tôi tán thành với kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2287 ngày 16.5.2023, đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương riêng về Ngân hàng Chính sách theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, được kiểm nghiệm thực tiễn tại các nghị định có liên quan của Chính phủ, nhằm xác định địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này.
Thực tiễn cho thấy, về cơ sở pháp lý, việc nghiên cứu luật hóa các quy định hiện hành của loại hình Ngân hàng Chính sách bao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Đó là luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng trong hoạt động ngân hàng. Tại Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10.6.2021, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng yêu cầu duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Về cơ sở thực tiễn, trong những năm qua, hoạt động của ngân hàng chính sách đã có bước phát triển mạnh về quy mô, đối tượng tác động. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tính đến cuối năm 2022, tổng quy mô tài sản của 2 ngân hàng chính sách là 544.834 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng chính sách xã hội là 302.746 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 283.000 tỷ đồng. Ngân hàng phát triển là 242.088 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 195.000 tỷ đồng. Hơn nữa, các ngân hàng chính sách cũng có hoạt động ngân hàng nhận tiền gửi của các tổ chức và cá nhân nên cũng có thể xảy ra tình trạng khó khăn về thanh khoản như các ngân hàng khác cần có sự điều chỉnh của pháp luật.
Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một chương hoặc một mục riêng quy định về hoạt động của các ngân hàng chính sách trong dự thảo Luật.