Dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.
Chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam.
Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc... Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị có mục tiêu là làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước; “người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện”. “Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nêu rõ.
Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Hội nghị cũng lắng nghe và thảo luận các tham luận của các bộ, ngành về: Truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển; Truyền thông chính sách theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; Tổ chức bộ máy, vị trí, việc làm, định mức biên chế, công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách; Bố trí kinh phí cho tổ chức hoạt động của truyền thông chính sách; Vai trò, trách nhiệm và định hướng truyền thông chính sách trong lĩnh tiền tệ - ngân hàng; Thực trạng, giải pháp về công tác truyền thông chính sách trong lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vai trò, sứ mệnh của công tác báo chí trong truyền thông chính sách; kinh nghiệm truyền thông chính sách của một số địa phương...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần coi truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội là trọng tâm, là cốt lõi của nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng luôn chú trọng các giải pháp nhằm thực hiện truyền thông chính sách lấy người dân làm trọng tâm phát triển. như: Liên tục cập nhật truyền thông quốc tế qua các kênh cả Chính phủ các nước, các chuyên gia ở nước ngoài; Xác định nội dung trọng điểm truyền thông hàng năm dựa trên định hướng của Chính phủ và lấy trọng tâm là người dân; kế hoạch truyền thông hàng năm làm định hướng kim chỉ nam cho thực thi các hoạt động truyền thông chính sách…