Thời kỳ bùng nổ "kỳ lân"
Theo East Asia Forum, nào năm 2021, các "kỳ lân" Đông Nam Á bước vào "ánh đèn sân khấu", nhờ sự gia tăng nguồn vốn cổ phần tư nhân hướng tới các công ty khởi nghiệp công nghệ đang phát triển. Làn sóng đầu tư này phần lớn được thúc đẩy nhờ một số yếu tố, bao gồm dân số trẻ trong khu vực, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu đang phát triển và sự phát triển nhanh chóng người dùng internet. Sự hội tụ của những yếu tố trên tạo ra mảnh đất màu mỡ cho đổi mới công nghệ và khởi nghiệp, thu hút vốn trong nước lẫn quốc tế.
Trong số những câu chuyện thành công nổi bật có AiTreat của Singapore, một công ty chế tạo robot đã trưng bày robot mát xa EMMA đáng chú ý tại một hội chợ khởi nghiệp công nghệ vào tháng 2.2023 ở đảo quốc sư tử. Sự kiện này là hình ảnh thu nhỏ của tinh thần đổi mới, đặc trưng cho hệ sinh thái công nghệ của khu vực trong giai đoạn này. EMMA nhằm mục đích giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực lành nghề trong lĩnh vực xoa bóp trị liệu và giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đóng vai trò như yếu tố thúc đẩy bất ngờ cho quá trình số hóa và áp dụng công nghệ trên khắp Đông Nam Á. Các công ty công nghệ, tận dụng khả năng cho vay lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào, đã mở rộng nhanh chóng. Thương mại điện tử, nền tảng giao đồ ăn và giải pháp công nghệ đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng đã nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận, từ đó tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và mở rộng lực lượng lao động công nghệ.
Sự trỗi dậy của các "kỳ lân" ở Đông Nam Á không chỉ thu hút đầu tư đáng kể mà còn mở ra làn sóng thanh khoản giá rẻ vào khu vực. Mô hình kinh doanh "kỳ lân" sử dụng các quỹ đầu tư để mở rộng quy mô nhanh chóng bằng cách cung cấp cho khách hàng các khoản chiết khấu và ưu đãi, Mục đích là để chiếm thị phần đáng kể trong khi tạm thời gác lại việc theo đuổi lợi nhuận trước mắt. Tuy nhiên, năm 2022 mô hình này bị ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, làm giảm dòng vốn đầu tư và gây ra một đợt “điều chỉnh” trong ngành công nghệ. Kết quả là, định giá của nhiều kỳ lân và công ty khởi nghiệp đã giảm đáng kể.
Câu thần chú về tăng trưởng không giới hạn bất chấp thua lỗ đã chuyển sang tập trung vào tính bền vững và lợi nhuận. Những gã khổng lồ công nghệ, bao gồm cả các kỳ lân, đã phải vật lộn với nhiều tổn thất tài chính, dẫn đến tình trạng sa thải nhân công trên quy mô lớn và buộc phải nỗ lực tái cơ cấu để vượt qua cơn bão kinh tế.
Chỉ có 8 công ty khởi nghiệp đạt được trạng thái "kỳ lân" vào năm 2022 so với 23 công ty vào năm 2021 ở khu vực. Trong quý IV.2022, các công ty công nghệ Đông Nam Á chỉ huy động được 2,88 tỷ USD vốn, mức thấp nhất trong hai năm. Nguồn vốn tư nhân cũng giảm 32% xuống còn 15,8 tỷ USD, so với 23,2 tỷ USD vào năm 2021.
Chiến lược thay đổi và thích ứng
Đối mặt với những thách thức đó, các kỳ lân ở Đông Nam Á đã thực hiện những thay đổi chiến lược để thích ứng với dòng vốn chảy vào ít hơn. Chẳng hạn, kỳ lân Coda Payments đã tổ chức một đợt bán cổ phần thứ cấp để tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư ban đầu, bao gồm cả chính những người sáng lập, mà không cần huy động vốn mới. Cách tiếp cận sáng tạo này cho phép công ty khám phá các thị trường mới, bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh, có khả năng mở ra cơ hội thu được lợi nhuận đáng kể.
Các chính phủ trên khắp Đông Nam Á nhận ra vai trò quan trọng của các công ty khởi nghiệp và "kỳ lân" trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Các sáng kiến như Startup SG ở Singapore đã tìm cách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ, cung cấp vốn giai đoạn đầu và tạo điều kiện phát triển các công nghệ độc quyền. Trong chương trình này, Chính phủ đồng đầu tư với các nhà đầu tư bên ngoài đủ điều kiện để thúc đẩy một hệ sinh thái thuận lợi cho tinh thần kinh doanh.
Thu hút và phát triển nhân tài nổi lên như thách thức quan trọng khác đối với các công ty khởi nghiệp trong khu vực. Các quốc gia ASEAN như Indonesia, Philippines và Việt Nam có tiềm năng cung cấp nhân tài công nghệ cho khu vực. Năm 2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết phát triển tài năng Indonesia với sự giúp đỡ của các tập đoàn quốc tế như Google, Huawei và Gojek. Tài năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ phần mềm đang được phát triển. Báo cáo Thị trường công nghệ thông tin của Việt Nam chỉ ra rằng, nước này sở hữu hơn 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và các trường đại học đào tạo ra khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin hàng năm. Nhóm tài năng Việt Nam có thể cung cấp cho các công ty khởi nghiệp những nhân sự về blockchain, học máy, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Trong khi đó, Philippines có nguồn tài năng công nghệ đa dạng nói tiếng Anh cung cấp cho các công ty khởi nghiệp được Chính phủ hậu thuẫn. Sinh viên tốt nghiệp Philippines có thể giúp cho Đông Nam Á nguồn nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng, thương mại điện tử và fintech.
Thị trường đầy tiềm năng cho các startup công nghệ
Thực tế, Đông Nam Á có số lượng lớn dân số chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng và có sử dụng dịch vụ nhưng tỷ lệ còn thấp, từ đó tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự đột phá của fintech. Các công ty công nghệ tài chính tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu cho phân khúc dân số này các giải pháp tài chính và bảo hiểm mới.
Phân khúc phát triển các dịch vụ về phong cách sống tại Đông Nam Á cũng đang phát triển nhờ tầng lớp trung lưu tiêu dùng lớn trong khu vực. Hiện cũng đang có nhiều công ty khởi nghiệp đầy triển vọng trong lĩnh vực này như Partipost có trụ sở tại Singapore và Social Bella, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân và làm đẹp trực tuyến ở Indonesia. Ngành thực phẩm ở Đông Nam Á cũng có sự chuyển đổi nhờ nhiều công ty khởi nghiệp. Shiok Meats, được thành lập vào năm 2018, đang tập trung vào sản xuất tôm và cua nuôi trong phòng thí nghiệm. Là một phần của làn sóng phát triển các thực phẩm thay thế tại châu Á, những công ty khởi nghiệp như vậy có khả năng ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong tương lai.
Khi các công ty khởi nghiệp và kỳ lân của Đông Nam Á điều hướng trong vùng nước đầy sóng gió của bất ổn kinh tế toàn cầu, sự thích ứng và khả năng phục hồi trở thành kim chỉ nam của họ. Tinh giản hoạt động, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu sẽ là mấu chốt cho sự phát triển bền vững. Sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến Đông Nam Á trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các nhà đầu tư và công ty nước ngoài. Khả năng phục hồi của khu vực bất chấp những "cơn gió ngược" về kinh tế, cùng với hệ sinh thái đầu tư vững vàng, sẽ tiếp tục thúc đẩy sự xuất hiện của các "kỳ lân" ở đây.