Nhiệm kỳ ngắn nhất lịch sử
Trong cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử vào chiều ngày 4.12 (rạng sáng ngày 5.12 giờ Việt Nam), các nhà lập pháp cực hữu và cánh tả của Pháp đã cùng nhau ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier, buộc ông Barnier và các thành viên Nội các từ chức, lần đầu tiên sau 62 năm.
Kiến nghị bất tín nhiệm nhận được tới 331 phiếu bầu trong khi chỉ cần tối thiểu 288 phiếu (đa số 2/3) là có thể thông qua. Điều này cho thấy sự thống nhất cao của các đảng cánh tả và cực hữu.
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định ông sẽ phục vụ hết nhiệm kỳ của mình là năm năm 2027. Tuy nhiên, ông sẽ cần phải bổ nhiệm một Thủ tướng mới lần thứ hai sau cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 7, cuộc bầu cử khiến đảng cầm quyền mất thế đa số và một Quốc hội chia rẽ sâu sắc.
Văn phòng của ông Macron cho biết, ông sẽ phát biểu trước người Pháp vào tối 5.12, và Thủ tướng Barnier dự kiến sẽ chính thức từ chức vào thời điểm đó. Được bổ nhiệm vào tháng 9, Barnier là Thủ tướng tại vị trong thời gian ngắn nhất trong nền cộng hòa đệ ngũ của nước Pháp.
“Tôi có thể nói rằng tôi vẫn rất vinh dự khi được phục vụ nước Pháp và người dân Pháp một cách đàng hoàng”, ông Barnier nói trong bài phát biểu cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu. “Động thái bất tín nhiệm này… sẽ khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn và khó khăn hơn. Đó là điều tôi chắc chắn”.
Nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa
Quyết định bỏ phiếu ngày 4.12 của Quốc hội xuất phát từ thái độ bất bình gay gắt của các nhà lập pháp đối với dự thảo ngân sách của Thủ tướng Barnier và việc ông viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp để thông qua dự thảo ngân sách này mà không cần sự đồng ý của Quốc hội.
Quyết định trên đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ cả cánh hữu lẫn cánh tả. Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) do bà Marine Le Pen dẫn dắt và liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NUPES) đều đồng lòng đưa ra các động thái bất tín nhiệm nhằm lật đổ ông Barnier.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ chính tình trạng chia rẽ trong Quốc hội Pháp. Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7 vừa qua, không có đảng nào nắm giữ đa số và cơ quan lập pháp bị chia thành ba khối chính: các đồng minh trung dung của Macron, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới và Đảng quốc gia cực hữu. Cả hai khối đối lập, thường bất đồng quan điểm, đã đoàn kết chống lại Barnier, cáo buộc ông áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng và không giải quyết được nhu cầu của người dân.
Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 sau cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen cho biết: "chúng tôi phải đưa ra lựa chọn, và lựa chọn của chúng tôi là bảo vệ người Pháp" khỏi một ngân sách "độc hại". Bà Le Pen cũng cáo buộc Macron "phải chịu trách nhiệm chính cho tình hình hiện tại", đồng thời nói thêm rằng "áp lực lên Tổng thống sẽ ngày càng lớn hơn".
Hệ lụy trước mắt
Sự ra đi của ông Barnier và sự sụp đổ của Chính phủ khiến các hoạt động của Chính phủ lâm vào bế tắc, mọi hoạt động lập pháp phải tạm dừng cho đến khi Tổng thống Macron bổ nhiệm được một Thủ tướng mới. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một ứng cử viên có thể nhận được sự đồng thuận từ một Quốc hội phân cực như hiện nay là một thách thức lớn. Trong khi Chính phủ vẫn có thể duy trì các hoạt động cơ bản, việc không thể thông qua ngân sách sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính của Pháp. Nợ công hiện đã đạt mức 3.200 tỷ euro, tương đương 6,1% GDP, và thâm hụt tiếp tục gia tăng do các chi phí khẩn cấp từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
Tác động đến chính trị
Tổng thống Macron sẽ phải bổ nhiệm một Thủ tướng mới, nhưng điều đó không làm thay đổi thực tế là Quốc hội vẫn đang chia rẽ. Sẽ không có cuộc bầu cử lập pháp mới nào có thể được tổ chức cho đến ít nhất là tháng 7 năm sau, tạo ra sự bế tắc tiềm tàng cho các nhà hoạch định chính sách.
Theo các phương tiện truyền thông Pháp, trong chuyến đi tới Ảrập Xêút vào đầu tuần này, ông Macron đã bác bỏ mọi khả năng từ chức: "Tôi ở đây vì tôi đã được người dân Pháp bầu hai lần", Macron nói.
Tuy nhiên, nếu một lần nữa Tổng thống Macron không thể bổ nhiệm một Thủ tướng đủ uy tín để giữ ổn định Chính phủ, viễn cảnh một cuộc bầu cử Quốc hội sớm có thể xảy ra, mở đường cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Đảng Cực hữu RN. Điều này đồng nghĩa với việc bà Marine Le Pen có cơ hội tiến gần hơn tới ghế Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2027, hoặc thậm chí sớm hơn, nếu Tổng thống Macron bị buộc phải từ chức.
Tuy nhiên, ngay cả với RN nắm quyền, việc giải quyết khủng hoảng ngân sách cũng không hề dễ dàng. Những cải cách tài chính mạnh tay, bao gồm tăng thuế và cắt giảm phúc lợi xã hội, có nguy cơ gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng.
Tác động đến thị trường tài chính
Mặc dù Pháp không có nguy cơ phải đóng cửa Chính phủ như ở Mỹ, nhưng bất ổn chính trị có thể gây lo ngại cho thị trường tài chính.
Pháp đang chịu áp lực từ Liên minh châu Âu để giảm khoản nợ khổng lồ của mình. Thâm hụt của nước này ước tính sẽ đạt 6% tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay và các nhà phân tích cho biết con số này có thể tăng lên 7% vào năm tới nếu không có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Bất ổn chính trị có thể đẩy lãi suất của Pháp lên cao, khiến nợ càng tăng cao hơn nữa.
Carsten Brzeski, giám đốc toàn cầu về vĩ mô tại Ngân hàng ING cho biết, tính thiếu ổn định của Chính phủ và nền tài chính tương lai của Pháp đang cản trở đầu tư và tăng trưởng. Brzeski cho biết: "Tác động của việc Pháp không có chính phủ rõ ràng sẽ là tiêu cực đối với sự tăng trưởng của Pháp và do đó là Khu vực đồng tiền chung châu Âu".
Pháp chứng kiến chi phí vay trên thị trường trái phiếu tăng cao, gợi lại những ký ức tồi tệ về cuộc khủng hoảng nợ và vỡ nợ của Hy Lạp trong giai đoạn 2010 - 2012.
Các nhà phân tích cho biết, Pháp không gặp một cuộc khủng hoảng tương tự vì phần lớn các khoản nợ chưa thanh toán của nước này không đến hạn trong nhiều năm và vì trái phiếu của nước này vẫn được săn đón do thiếu hụt trái phiếu chính phủ Đức. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể can thiệp để hạ chi phí vay của Pháp trong trường hợp thị trường biến động cực độ, mặc dù rào cản cho điều đó vẫn còn cao.