Park Geun-hye: Tổng thống đầu tiên bị phế truất bằng luận tội
Vào ngày 9.12.2016, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye đã bị Quốc hội luận tội sau khi bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và liên quan đến vụ bê bối của người bạn thân Choi Soon-sil, người bị cáo buộc thao túng chính sách quốc gia và nhận hối lộ từ các tập đoàn lớn. 234 thành viên trong số 300 thành viên của Quốc hội đã bỏ phiếu luận tội và tạm thời đình chỉ quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng thống Park. Con số này vượt quá ngưỡng quy định của Hiến pháp là 2/3 tổng số nghị sĩ nhất trí với kiến nghị luận tội. Kết quả cho thấy hơn một nửa trong số 128 nhà lập pháp trong đảng Saenuri của Park đã ủng hộ việc luận tội bà.
Sau khi Tổng thống Park bị luận tội, Thủ tướng khi đó là ông Hwang Kyo-ahn đã trở thành quyền Tổng thống trong khi chờ đợi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết cuối cùng.
Trong phán quyết ngày 10.3.2017, toàn bộ 8 thẩm phán của Tòa án Tối cao đã nhất trí duy trì bản luận tội và cách chức bà Park.
Một năm sau đó, bà park đã bị kết án 24 năm tù sau khi bị kết tội lạm dụng quyền lực. Sau đó, mức án này được nâng lên 25 năm và khoản tiền phạt 20 tỷ won (17,86 triệu USD) sau khi các công tố viên kháng cáo.
Vào năm 2021, Tổng thống Moon Jae-in đã ân xá cho bà Park Geun-hye vì lý do sức khỏe của bà giảm sút. Cuối cùng, bà đã được trả tự do và sau đó trở về nhà vào tháng 3.2022.
Roh Moo-hyun: Từ “quý ngài trong sạch” đến cái kết thương tâm
Ông Roh Moo-hyun là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị Quốc hội luận tội. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị và uy tín cả đời của ông lại không phải kết thúc do vụ luận tội ở Quốc hội.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Roh Moo-hyun đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông quyết tâm chống tham nhũng trong chính phủ và cải cách hành chính. Điều này khiến ông vấp phải nhiều phản đối, đặc biệt là từ giới chức công tố và đảng Đại dân tộc đối lập (theo đường lối bảo thủ). Năm 2003, Roh Moo-hyun và nhiều nghị sĩ ủng hộ ông rời khỏi đảng Dân chủ thiên niên kỷ để thành lập đảng mới - đảng Uri (tạm dịch là “đảng của chúng ta”).
Tháng 3.2004, Quốc hội Hàn Quốc, khi đó do đảng Đại dân tộc đối lập chiếm đa số, đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Roh Moo-hyun. Phe đối lập cho rằng, Roh Moo-hyun đã không công bằng và vi phạm luật bầu cử khi công khai ủng hộ đảng Uri với tư cách là Tổng thống. Ông Roh Moo-hyun bị đình chỉ chức vụ trong vòng 2 tháng, quyền hành pháp tạm thời chuyển giao cho Thủ tướng Goh Kun.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người dân đã xuống đường biểu tình, phản đối hành động của Quốc hội để bảo vệ ông Roh. Chỉ riêng ngày 13.3.2004, ở Seoul, đã có khoảng 70.000 người dân tham gia biểu tình, kêu gọi “vô hiệu bản luận tội, bảo vệ nền dân chủ”.
Ngày 14.5.2004, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hủy bỏ quyết định luận tội của Quốc hội. Tổng thống Roh được phục chức. Tỷ lệ ủng hộ ông từ 30% tăng lên 50%. Các nghị sĩ của đảng Uri cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng.
Năm 2008, ông Roh Moo-hyun kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống; sau khi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Lee Myung-bak, ông Roh Moo-hyun cùng vợ đã lái xe thẳng về quê nhà ở làng Bongha, cách thủ đô Seoul khoảng 450km. Hành động của ông Roh đã phá vỡ tiền lệ trước đây, khi các Tổng thống Hàn Quốc về hưu thường sống trong dinh thự ở Seoul, có đội ngũ an ninh bảo vệ nghiêm ngặt.
Bongha - ngôi làng hẻo lánh với khoảng 120 người sinh sống (vào năm 2008) - đã trở thành điểm thu hút khách du lịch nhờ sự hiện diện của ông Roh. Mặc dù đã rời nhiệm sở, Roh Moo-hyun vẫn được nhiều người dân yêu mến vì lối sống bình dị, thân thiện. Ở làng Bongha, ông Roh có một trang trại nuôi vịt, hàng ngày tiếp khách ghé thăm, đi câu cá, leo núi và đi dạo. Cựu Tổng thống cũng điều hành một trang web tên “Dân chủ 2.0” để thúc đẩy các cuộc thảo luận lành mạnh về chính trị - pháp luật.
Ông Roh Moo-hyun có biệt danh là “Mr. Clean” (quý ngài trong sạch). Sau khi ông nghỉ hưu, mỗi tuần có hàng trăm chiếc ô tô, xe bus chở du khách đến làng Bongha. Họ hy vọng được gặp ông và nghe cựu Tổng thống nói chuyện. Một số cha mẹ còn mang con đến nhà Roh Moo-hyun để được ông cầu phúc. “Việc một cựu Tổng thống có sức hút mạnh mẽ đến vậy là điều chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc”, New York Times bình luận.
Cuối năm 2008, sóng gió bắt đầu ập đến gia đình cựu Tổng thống. Park Yeon Cha - chủ tịch Tập đoàn da giày Tae Kwang, sau khi bị bắt vì tội trốn thuế, đã tố cáo Tổng thống Roh (khi còn tại vị) đã nhận hối lộ của ông ta. Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun bác bỏ mọi cáo buộc rằng ông nhận tiền hối lộ. Cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã làm “rúng động” Hàn Quốc. Dư luận hướng “búa rìu” vào Roh, cho rằng ông chỉ giả vờ trong sạch.
Tháng 4.2009, ông Roh Moo-hyun bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ. Phát biểu khi trình diện trước cơ quan công tố, ông nói: “Tôi không còn mặt mũi nào để đối mặt với người dân. Tôi xin lỗi vì đã làm mọi người thất vọng”. Tuy nhiên, ông vẫn kiên quyết phủ nhận các cáo buộc rằng ông có nhận hối lộ.
Vào ngày 23.5.2009, ông nói với vệ sĩ riêng là muốn leo núi một mình và được cho là đã nhảy xuống từ trên núi. Cựu Tổng thống nhanh chóng được đưa tới bệnh viện, nhưng qua đời do chấn thương sọ não. Cảnh sát đã xác nhận cái chết của ông là do tự tử. Theo cảnh sát, trước khi có ý định tự tử, ông Roh đã bật máy tính và gõ một bức thư tuyệt mệnh: “Tôi thật sự quá xấu hổ. Tôi càng xấu hổ hơn trước những người đã tin tưởng và ủng hộ tôi. Tôi thành thật xin lỗi. Nhưng tôi hoàn toàn trong sạch. Lịch sử sẽ phán xét tôi”.
Cái chết bất ngờ của cựu Tổng thống Roh Moo-huyn khiến cả Hàn Quốc bàng hoàng và đau đớn. Dư luận một lần nữa “đảo chiều”, cho rằng ông Roh hoàn toàn trong sạch và bị bức ép đến mức phải tự tử. Vài giờ sau khi ông Roh qua đời, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Kim Kyung-han tuyên bố khép lại điều tra đối với cựu Tổng thống Roh Moo-huyn và gia đình ông.
Ý kiến bạn đọc