Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng, khi tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 5,2%, thấp hơn nhiều so với các năm trước đó. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn giữ vững được vị trí dẫn đầu trong khu vực châu Á, nhưng sự suy giảm này đã cho thấy các dấu hiệu của một nền kinh tế đang trên đà giảm tốc. Bất động sản từng là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, song giờ ngành này đang gặp phải những khó khăn lớn. Các công ty phát triển bất động sản đang đối mặt với khoản nợ khổng lồ, nhiều dự án còn dang dở. Sự sụt giảm mạnh trong giá trị bất động sản đã làm giảm niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã có một loạt các biện pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư từ cuối tháng 9, nhưng tỷ lệ tiêu dùng và đầu tư tại Trung Quốc vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ. Các hộ gia đình vẫn thận trọng trong việc chi tiêu, và nhiều công ty lớn hạn chế việc mở rộng sản xuất do không chắc chắn về tình hình kinh tế.
Trở lại chính sách tiền tệ "nới lỏng phù hợp"
Bộ Chính trị Trung Quốc mới đây đã nhóm họp và tuyên bố sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng phù hợp" từ năm 2025. Các chuyên gia cho rằng, đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực tăng trưởng chậm lại. Chính phủ Trung Quốc nhận thấy cần tạo ra sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế thông qua các chính sách mang tính “chu kỳ ngược”, nhằm kích thích tăng trưởng và bảo đảm sự ổn định trong dài hạn. Điều này làm dấy lên kỳ vọng rằng nước này sẽ nới rộng thâm hụt tài khóa tại kỳ họp quốc hội thường niên vào tháng 3.2025; đồng thời mở ra cánh cửa cho chính quyền trung ương vay nợ nhiều hơn để củng cố nền kinh tế đang suy yếu.
Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp dụng chính sách tài khóa chủ động hơn, bao gồm việc tăng cường các biện pháp phi truyền thống để điều chỉnh nền kinh tế một cách linh hoạt hơn. Các biện pháp này sẽ tập trung vào mở rộng tiêu dùng nội địa và kích thích nhu cầu trong nước theo nhiều chiều hướng khác nhau. Chính phủ nhấn mạnh, việc sử dụng các công cụ chính sách một cách hiệu quả và đổi mới sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Các quyết sách cụ thể sẽ được công bố trong Hội nghị Kinh tế Trung ương hàng năm, diễn ra vào cuối tuần này. Tại đây, các mục tiêu và chính sách chủ chốt cho năm 2025 sẽ được định hình, với trọng tâm là tăng cường tiêu dùng, thúc đẩy đổi mới và bảo đảm ổn định kinh tế.
Lần cuối cùng Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng phù hợp” là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, như một phần của gói kích thích “bazoka” để hỗ trợ nền kinh tế, trước khi chuyển sang chính sách “thận trọng” vào cuối năm 2010. Đó là điều mà nước này đã cam kết sẽ tránh lặp lại, và các quan chức từng tuyên bố chỉ cung cấp đủ hỗ trợ để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay mà không cần phải gánh thêm nợ.
Tuy nhiên, tuyên bố mới đây của Bộ Chính trị Trung Quốc đã gửi đến thị trường một thông điệp rằng, các nhà chức trách đang cảm thấy cần một động thái cấp bách mới. Martin Rasmussen, chiến lược gia cấp cao tại công ty nghiên cứu vĩ mô Exante Data nhận định, tuyên bố của Bộ cho thấy “quan điểm của các nhà lãnh đạo hàng đầu về điều kiện kinh tế đã thay đổi đáng kể so với quý trước”,
Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu ổn định sau gói kích thích được triển khai từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, nguy cơ thuế quan từ Mỹ đang tạo áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, buộc quốc gia này phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi cú sốc có thể xảy ra từ cuộc chiến thương mại tiềm tàng.
Những thách thức phía trước
Chính sách mới dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp và cá nhân. Điều này có thể giúp tăng cường tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại. Song, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi sang chính sách nới lỏng cũng đặt ra thách thức về cân đối tài khóa và nguy cơ gia tăng lạm phát nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Đây là lý do tại sao Trung Quốc cam kết thực hiện các điều chỉnh chu kỳ ngược một cách hợp lý và cân bằng.
Chính sách tiền tệ “nới lỏng phù hợp” sẽ góp phần thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc và tạo ra cơ hội cho các đối tác kinh tế khác. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này có thể không đủ mạnh mẽ để bù đắp cho những ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài như tình trạng suy thoái toàn cầu hay biến động trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, tình trạng nợ công tăng cao có thể tạo ra những rủi ro trong dài hạn, không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn. Các chính sách nới lỏng tiền tệ có thể thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ thân thiện môi trường; tuy nhiên, áp lực phục hồi kinh tế nhanh có thể dẫn đến việc ưu tiên các ngành công nghiệp truyền thống, tạo thêm áp lực lên môi trường toàn cầu.
Các chuyên gia cho biết thêm, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vì vậy bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên thị trường tài chính toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến dòng vốn và quyết định đầu tư quốc tế; việc Trung Quốc chuyển sang chính sách nới lỏng có thể khiến các quốc gia khác cân nhắc lại chiến lược tiền tệ của mình, đặc biệt là những nước có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.
Thêm vào đó, một trong những rủi ro lớn khi thực hiện chính sách nới lỏng là khả năng gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Khi các khoản vay được cấp dễ dàng hơn, điều này có thể tạo ra một “làn sóng” nợ mới, đặc biệt là trong các ngành như bất động sản.
Chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tỷ giá đồng NDT và dòng vốn quốc tế. Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến các đối tác thương mại của Trung Quốc, nhất là các nền kinh tế đang phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia và là một trong những động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế toàn cầu. Nếu các ngân hàng trung ương khác, đặc biệt tại châu Á, bắt đầu nới lỏng chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu, điều này có thể dẫn đến một “cuộc chiến tiền tệ” trên quy mô lớn.
Nhìn chung, sự chuyển biến của chính sách tiền tệ Trung Quốc sang "nới lỏng hợp lý" thể hiện sự nhận thức về những áp lực kinh tế đáng kể, nhưng cũng là một sự kiềm chế chiến lược trong việc triển khai kích thích mạnh mẽ. Năm tới thế giới có thể sẽ chứng kiến những điều chỉnh chính sách từng bước, với sự chú ý đặc biệt đến các chỉ số kinh tế trong nước và động thái thương mại quốc tế, đặc biệt là với Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump. Các chuyên gia nhận định, chiến lược này tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định tài chính, tránh những sai lầm của việc kích thích quá mức trước đây trong khi giải quyết những thách thức kinh tế hiện tại.
Cần cú huých mạnh mẽ hơn
Các nhà cố vấn kinh tế đang kêu gọi chính phủ kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động từ thuế quan dự kiến của Mỹ và chống lại áp lực giảm phát. Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lâm Phật An cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhưng không nói rõ đó là những biện pháp như thế nào.
Giới chuyên gia kinh tế cũng đã hối thúc Bắc Kinh chú trọng hơn nữa việc hỗ trợ người tiêu dùng trong các chính sách được đưa ra, cung cấp hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn cho người dân thu nhập thấp; đồng thời triển khai các cam kết về điều chỉnh thuế, phúc lợi và các chính sách khác để giải quyết sự mất cân bằng mang tính cơ cấu; hiện Chính phủ Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ lĩnh vực sản xuất hướng về xuất khẩu và nỗ lực này đã mang lại thành công đáng kể trong lĩnh vực xe điện, năng lượng mặt trời và pin. Tuy nhiên, thành công này đã dẫn tới sự phản đối từ các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, do lo ngại về sự tràn ngập của hàng giá rẻ từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.