Giải quyết thách thức lâu dài của thuế kép
Chỉ thị FASTER nhằm mục đích làm cho các thủ tục khấu trừ thuế tại EU an toàn hơn và hiệu quả hơn đối với các nhà đầu tư xuyên biên giới, cơ quan thuế quốc gia và các trung gian tài chính, chẳng hạn như ngân hàng hoặc nền tảng đầu tư.
FASTER sẽ điều chỉnh các thủ tục khấu trừ thuế, bảo đảm các nhà đầu tư không phải chịu thuế hai lần đối với lợi nhuận từ các khoản đầu tư xuyên biên giới của họ vào cổ phiếu và trái phiếu. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy liên minh thị trường vốn sâu rộng hơn, vì các thủ tục khấu trừ thuế hiệu quả hơn sẽ khuyến khích đầu tư vào các thị trường tài chính của EU. Chúng cũng sẽ giảm gánh nặng hành chính và giúp phát hiện gian lận thuế dễ dàng hơn.
Hiện nay, đối với các khoản đầu tư xuyên biên giới, nhiều quốc gia thành viên đánh thuế đối với cổ tức (từ cổ phiếu và trái phiếu) và lãi (trên trái phiếu) trả cho các nhà đầu tư sống ở nước ngoài. Đồng thời, những nhà đầu tư đó phải nộp thuế thu nhập tại quốc gia cư trú của họ đối với cùng một khoản thu nhập.
Mặc dù các hiệp ước thuế song phương đã được thiết lập để giảm thiểu tình trạng đánh thuế kép này, nhưng trên thực tế, các thủ tục yêu cầu miễn hoặc hoàn thuế khấu trừ thường khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên, dẫn đến các thủ tục miễn thuế hoặc hoàn thuế kéo dài, tốn kém và cồng kềnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro gian lận thuế trên diện rộng. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của EU kỳ vọng, FASTER sẽ giúp các thủ tục miễn thuế nhanh hơn, đơn giản hơn và an toàn hơn. Nó sẽ giới thiệu giấy chứng nhận cư trú thuế kỹ thuật số chung của EU (eTRC) mà các nhà đầu tư nộp thuế có thể sử dụng để được hưởng lợi từ các thủ tục nhanh chóng nhằm được miễn thuế khấu trừ.
Các quốc gia thành viên sẽ cung cấp quy trình tự động để cấp giấy eTRC cho cá nhân hoặc tổ chức được coi là cư trú tại khu vực tài phán của họ vì mục đích thuế.
Thủ tục nhanh gọn và hiệu quả
Chỉ thị mới sẽ cho phép các quốc gia thành viên có hai thủ tục nhanh chóng bổ sung cho thủ tục hoàn thuế tiêu chuẩn hiện hành đối với thuế khấu trừ. Điều này sẽ giúp các quy trình miễn thuế, hoàn thuế nhanh hơn và được điều chỉnh chặt chẽ hơn trên toàn EU.
Các quốc gia thành viên phải áp dụng ít nhất một trong hai hệ thống sau: Thủ tục "giảm thuế tại nguồn", theo đó thuế suất ưu đãi được áp dụng ngay tại thời điểm thanh toán cổ tức hoặc lãi suất; và Hệ thống "hoàn tiền nhanh", nghĩa là thuế khấu trừ đã nộp vượt mức sẽ được hoàn trả trong thời hạn quy định.
Các quốc gia EU phải áp dụng các thủ tục nhanh nếu họ cung cấp miễn giảm thuế khấu trừ vượt mức đối với cổ tức từ cổ phiếu giao dịch công khai.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có thể duy trì các thủ tục hiện tại của mình và không áp dụng một phần của chỉ thị trong hai trường hợp sau: Thứ nhất, họ cung cấp hệ thống miễn giảm thuế tại nguồn toàn diện áp dụng cho thuế khấu trừ vượt mức đối với cổ tức từ cổ phiếu giao dịch công khai do cư dân trong khu vực tài phán của họ phát hành, với tỷ lệ vốn hóa thị trường dưới ngưỡng 1,5% (theo báo cáo của Cơ quan Giám sát chứng khoán và thị trường châu Âu - ESMA). Tuy nhiên, nếu tỷ lệ này vượt quá ngưỡng 1,5% trong 4 năm liên tiếp, tất cả các quy định trong chỉ thị sẽ trở thành bắt buộc và không thể thay đổi. Trong trường hợp này, các quốc gia thành viên sẽ có 5 năm để chuyển đổi các quy định của chỉ thị thành luật quốc gia. Những quy định này được thiết kế để phù hợp với quy mô của thị trường tài chính của các quốc gia thành viên, đồng thời công nhận rằng một số quốc gia thành viên duy trì các hệ thống quốc gia phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại của họ. Thứ hai, là các quốc gia cung cấp miễn giảm thuế khấu trừ vượt mức đối với lãi suất từ trái phiếu giao dịch công khai.
Hội đồng châu Âu đã bổ sung vào văn bản các tình huống bổ sung mà các quốc gia thành viên có thể loại trừ, hoàn toàn hoặc một phần, các yêu cầu miễn thuế khấu trừ khỏi các thủ tục nhanh, để thực hiện kiểm tra thêm nhằm ngăn ngừa gian lận. Hội đồng cũng đã thêm các điều khoản vào văn bản liên quan đến các khoản đầu tư gián tiếp, trong trường hợp nhà đầu tư không đầu tư trực tiếp vào chứng khoán mà thông qua một doanh nghiệp đầu tư tập thể. Các điều khoản này bảo đảm rằng, các nhà đầu tư hợp pháp như các doanh nghiệp đầu tư tập thể hoặc các nhà đầu tư của họ có quyền truy cập vào các thủ tục nhanh.
Theo các quy định mới, các trung gian tài chính được chứng nhận khi yêu cầu miễn trừ thay mặt cho chủ sở hữu đã đăng ký sẽ cần phải tiến hành thẩm định về điều kiện đủ của chủ sở hữu đã đăng ký để được hưởng ưu đãi miễn thuế.
Báo cáo chuẩn hóa cho các trung gian tài chính
Chỉ thị sẽ quy định nghĩa vụ báo cáo chuẩn hóa đối với các trung gian tài chính (như ngân hàng hoặc nền tảng đầu tư), giúp cơ quan thuế quốc gia dễ dàng phát hiện các hành vi gian lận thuế hoặc lạm dụng.
Các quốc gia thành viên sẽ thiết lập các sổ đăng ký quốc gia, nơi các trung gian tài chính lớn (và các trung gian nhỏ hơn nếu có) sẽ phải đăng ký để được chứng nhận. Để đơn giản hóa thủ tục đăng ký này, Hội đồng châu Âu đã nhất trí tạo ra Cổng thông tin trung gian tài chính được chứng nhận của châu Âu. Cổng này sẽ hoạt động như một trang web chuyên dụng trung tâm, nơi có thể truy cập vào sổ đăng ký quốc gia.
Các quốc gia thành viên sẽ giữ quyền tự chủ cần thiết trong việc đăng ký và xóa bỏ chứng nhận đối với các trung gian tài chính trong những trường hợp cụ thể, đồng thời có thể áp dụng các biện pháp liên quan đến các trung gian này. Sau khi được chứng nhận, các trung gian tài chính sẽ phải báo cáo thông tin cần thiết cho cơ quan thuế có thẩm quyền để có thể theo dõi giao dịch.
Các quốc gia thành viên sẽ có tùy chọn yêu cầu báo cáo mở rộng hơn liên quan đến các giao dịch nhằm phát hiện các trường hợp có thể xảy ra gian lận hoặc lạm dụng thuế.
Hội đồng châu Âu đã thêm khả năng báo cáo gián tiếp ngoài báo cáo trực tiếp. Trong trường hợp báo cáo trực tiếp, một trung gian tài chính được chứng nhận sẽ báo cáo trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên nguồn. Ngược lại, ở trường hợp báo cáo gián tiếp, thông tin sẽ do mỗi trung gian tài chính được chứng nhận cung cấp dọc theo chuỗi thanh toán chứng khoán. Các quốc gia thành viên sẽ áp dụng các hình phạt đối với các trường hợp không tuân thủ các nghĩa vụ từ chỉ thị này.
Chỉ thị FASTER sẽ sớm được công bố trên Công báo của khối liên minh lá cờ xanh và có hiệu lực. Các quốc gia thành viên sẽ phải chuyển chỉ thị này thành luật quốc gia trước ngày 31.12.2028 và các quy định quốc gia sẽ phải được áp dụng từ ngày 1.1.2030.