Nỗ lực thứ hai của phe đối lập
Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc đã tập hợp đủ số lượng nghị sĩ đệ trình kiến nghị luận tội tiếp theo nhằm vào Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi nỗ lực đầu tiên của họ thất bại. Theo kế hoạch, kiến nghị này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể vào lúc 5 giờ chiều ngày 14.12.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung kêu gọi các nhà lập pháp đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền ủng hộ động thái này, nhấn mạnh rằng biện pháp luận tội là cách nhanh nhất và chắc chắn nhất để chấm dứt tình trạng hỗn loạn này".
Quy định của Hiến pháp yêu cầu một kiến nghị luận tội tổng thống phải được ít nhất 2/3 tổng số nghị sĩ nhất trí, tương đương với 200 phiếu ủng hộ. Hiện phe đối lập có 91 nghị sĩ và thêm 1 nghị sĩ độc lập ủng hộ động thái này, vì vậy họ cần ít nhất 8 nhà lập pháp từ đảng cầm quyền bỏ phiếu ủng hộ. Cho đến nay, 7 nhà lập pháp của đảng cầm quyền đã công khai tuyên bố họ sẽ làm như vậy.
Đề xuất luận tội đầu tiên đã bị hủy bỏ trong cuộc bỏ phiếu ngày 7.12 vì hầu hết các nhà lập pháp của đảng cầm quyền tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Sau khi đề xuất đầu tiên bị hủy bỏ, DPK tuyên bố sẽ thúc đẩy việc thông qua kiến nghị luận tội Yoon vào mỗi tuần.
Kiến nghị thứ hai bao gồm các cáo buộc rằng quân đội và cảnh sát đã cố gắng bắt giữ các nhà lập pháp theo sự chỉ đạo của tổng thống. Trong khi đó, kiến nghị lần trước đi kèm theo một dự luật nhằm vào đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, cáo buộc bà có liên quan đến một chương trình thao túng cổ phiếu và can thiệp vào việc đề cử bầu cử thông qua một nhà môi giới quyền lực, đã bị rút khỏi kiến nghị bất luận tội lần này.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự phẫn nộ ngày càng gia tăng của công chúng đối với Tổng thống, tỷ lệ ủng hộ ông Yoon đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1%, theo một cuộc khảo sát do Gallup Korea thực hiện. Trong cùng cuộc khảo sát, 75% số người được hỏi ủng hộ việc luận tội Yoon, trong khi 21% phản đối.
Nếu kiến nghị này được thông qua, Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định có nên bãi nhiệm ông Yoon hay không. Nếu Tòa án chấp thuận, ông Yoon sẽ là tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị cách chức thông qua luận tội sau cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.
Tại sao đảng cầm quyền không ủng hộ luận tội?
Trước đó, ngày 12.12, Tổng thống Yoon vẫn giữ thái độ thách thức khi trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông khẳng định quyết định ban bố thiết quân luật "nằm trong phạm vi quyền hành pháp, không chịu sự xem xét lại của tòa án" và ông sẽ chiến đấu "cho đến giây phút cuối cùng" để bảo vệ quyết định của mình.
Hiện chưa rõ đảng cầm quyền có hành động như lần trước, tẩy chay cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội hay không. Sỡ dĩ họ phản đối luận tội tổng thống bởi các thành viên của đảng lo ngại điều này sẽ khiến phe bảo thủ thất bại trong cuộc bầu cử sớm, vốn phải diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ khi tổng thống bị phế truất. Điều này có khả năng mở đường cho ứng cử viên mạnh nhất của phe đối lập, lãnh đạo đảng DPK, Đại biểu Lee Jae-myung, trở thành tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc.
Trong trường hợp ông Yoon bị bãi nhiệm, khả năng các nhà lập pháp đương nhiệm của PPP không giành được ghế trong Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo cũng tăng lên, đây là một lý do khác khiến nhiều nhà lập pháp PPP phản đối việc luận tội.
Nghị sĩ Kim Gi-hyeon của đảng Quyền lực nhân dân, được biết đến là một nhà lập pháp ủng hộ Tổng thống Yoon, đã viết trên Facebook vào ngày 13.12: “Vào thời điểm luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye 2016, chúng tôi đã trải qua sự hỗn loạn, chia rẽ đất nước và hậu quả là vị thế quốc gia bị tổn hại. Nếu chúng tôi lại luận tội một tổng thống mà chúng tôi đã chọn, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể yêu cầu người dân bầu cho chúng tôi trong cuộc bầu cử sắp tới”.
Quốc hội chất vấn Chính phủ về sắc lệnh thiết quân luật
Trong ngày 13.12, Quốc hội cũng sẽ chất vấn Thủ tướng và các quan chức Chính phủ khác đã tham dự cuộc họp Nội các gây tranh cãi ngay trước khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật. Phe đối lập đã yêu cầu sự tham dự của Thủ tướng Han Duck-soo, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho và Bộ trưởng Ngoại giao Cho Tae-yul cùng nhiều người khác. Theo quy định, để ban hành thiết quân luật, Tổng thống phải họp Nội các và phải thông báo trước cho Quốc hội.
Trong phiên chất vấn vào 13.12, các nhà lập pháp đối lập cũng thẩm vấn các thành viên Nội các về bài phát biểu trước công chúng của Tổng thống Yoon trên truyền hình ngày 12.12, trong đó, ông bảo vệ quyết định ban bố thiết quân luật và phủ nhận đó là hành động nổi loạn.
Trong một phiên chất vấn trước đó vào ngày 11.12, Thủ tướng Han đã xin lỗi về tình hình bất ổn do thiết quân luật và cho biết trong cuộc họp Nội các ngắn ngủi chỉ vài phút trước khi ban bố sắc lệnh, không ai đồng ý với kế hoạch của Tổng thống Yoon.