Khi ông Biden bước vào những tuần cuối cùng tại Phòng Bầu dục, các chuyên gia chính trị đang đưa ra đánh giá về tác động của nhiệm kỳ tổng thống đối với cộng đồng người da màu.
Những nỗ lực của Chính quyền Biden nhằm mở rộng nguồn tài trợ cho các trường cao đẳng và đại học dành cho người da màu, thúc đẩy các chương trình ngăn ngừa bạo lực súng đạn và ban hành các sắc lệnh hành pháp đầu tiên thúc đẩy công bằng và công lý chủng tộc là những ví dụ điển hình về các chính sách tích cực trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Các chuyên gia cho biết các quyết định bổ nhiệm thẩm phán liên bang da màu của ông cũng quan trọng vì chúng có thể đóng vai trò thiết yếu trong quá trình kiểm tra tư pháp đối với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ giải thể các cơ quan chính phủ như Ban Dân quyền của Bộ Tư pháp - một động thái có khả năng phải đối mặt với thách thức pháp lý nghiêm trọng.
Delores Jones-Brown, giáo sư danh dự tại Cao đẳng Tư pháp Hình sự John Jay ở New York, người nghiên cứu về việc bổ nhiệm thẩm phán của ông Biden, cho biết: "Những kinh nghiệm của một phụ nữ da màu ở tòa án liên bang vô cùng quan trọng" vì "tòa án sẽ có một tiếng nói khác”.
Lena Zwarensteyn, nhà nghiên cứu các vấn đề pháp lý tại Hội nghị các nhà lãnh đạo về quyền dân sự và nhân quyền, cho biết động thái của ông Biden cũng cho thấy một tư tưởng rất cụ thể. Ông Biden đã chọn đưa vào tòa án các thẩm phán da màu vì họ là những người có thể đứng ở tuyến đầu cân nhắc một số vấn đề quan trọng nhất mà cộng đồng da màu phải đối mặt, chẳng hạn như quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục công bằng, các hoạt động tuyển dụng công bằng, phá thai và quyền bỏ phiếu.
“Những thẩm phán tòa án quận thường là những người đầu tiên thụ lý các vụ án, và họ thụ lý nhiều vụ án hơn so với các tòa án cấp quận của chúng tôi”, bà Zwarensteyn cho biết thêm. “Những quyết định đó thường là những quyết định cuối cùng vì rất ít vụ án thực sự được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thụ lý”.
Các quyết định bổ nhiệm của Biden phần lớn thực hiện lời cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống là thúc đẩy công bằng trong hệ thống tư pháp bằng cách đa dạng hóa thành phần thẩm phán. Trong số đó, Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đã trở thành phụ nữ da màu đầu tiên được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao.
Trước nhiệm kỳ của ông Biden, chỉ có 8 phụ nữ da màu từng phục vụ ở cấp tòa phúc thẩm của ngành tư pháp liên bang, theo dữ liệu do nhóm của Zwarensteyn biên soạn. Tổng thống duy nhất khác có tốc độ bổ nhiệm thẩm phán da màu gần bằng Biden là Jimmy Carter với việc bổ nhiệm 7 nữ thẩm phán da màu.
Trong số 234 quyết định bổ nhiệm tư pháp trọn đời trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump, chỉ có 2 người là phụ nữ da màu. Bảy trong số những thẩm phán đó là đàn ông da màu.
Cho đến nay, Biden đã bổ nhiệm hơn 230 thẩm phán trọn đời tính đến ngày 9.12. Việc giữ chức vụ trọn đời có thể giúp thẩm phán đưa ra phán quyết mà không sợ họ có thể phải chịu hậu quả chính trị, chẳng hạn như mất ghế thẩm phán vì các quyết định của mình.
Giáo sư Jones-Brown cho biết bà rất ngạc nhiên trước số lượng phụ nữ da màu được bổ nhiệm trọn đời. Bà hy vọng những thẩm phán đó sẽ sẵn sàng đối mặt với những thách thức mà nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo có thể mang lại.
Jones-Brown nói với Capital B rằng: “Tôi nghĩ các thẩm phán da màu sẽ hiểu rằng vai trò của họ là mang lại công lý ở những nơi chưa có công lý”. “Ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải chiến đấu với đồng nghiệp của họ, thậm chí là giải thích luật theo cách mà những người khác có thể không làm được”.
Jones-Brown cho biết, thông qua các phán quyết của mình, những nữ thẩm phán này có thể dựa vào kinh nghiệm sống để đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự công bằng, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến vấn đề chủng tộc hoặc giới tính. Và họ chính là sự "hiện diện văn hóa khác biệt mà" phụ nữ da màu có, bà nói.