Ai sẽ là "phó tướng" của bà Kamala Harris?

Sau khi nhận đủ số phiếu ủng hộ bảo đảm được đề cử của đảng Dân chủ để trở thành ứng cử viên tranh cử chức Tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang phải ráo riết thực hiện nhiệm vụ quan trọng tiếp theo. Đó là tìm ra người liên danh tranh cử trong bối cảnh chiến dịch tranh cử đang dần bước vào giai đoạn cuối đầy gay cấn.

Những gương mặt đáng chú ý

Diễn biến của cuộc đua vào Nhà Trắng đã có nhiều biến động kể từ cuối tháng 6, khi màn trình diễn tranh luận của Tổng thống Biden gây không ít hỗn loạn trong nội bộ đảng Dân chủ, buộc ông phải rút lui khỏi cuộc đua vào tháng trước. Sau đó Phó Tổng thống Harris, 59 tuổi, trở thành ứng cử viên duy nhất giành được đề cử trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến kéo dài 5 ngày của gần 4.000 đại biểu đảng Dân chủ vừa qua. Là người phụ nữ da màu và gốc Á đầu tiên giành được đề cử của một đảng lớn, bà sẽ chính thức được trao đề cử tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago từ ngày 19 - 22.8.

Bà Harris sẽ chọn ai để liên danh? Ảnh: Financial Times
Bà Harris sẽ chọn ai để liên danh? Ảnh: Financial Times

Việc giành được ủng hộ cần thiết để được bảo đảm đề cử diễn ra khi bà chuẩn bị khởi động chiến dịch tranh cử bằng chuyến đi qua 7 bang bầu cử quan trọng. Do đó, việc lựa chọn "phó tướng" sẽ là một trong những yếu tố mang tính quyết định của chiến dịch tranh cử của bà Harris, vì ông Donald Trump, cựu tổng thống và ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đang tìm cách định hình cách người Mỹ nhìn nhận bà trước Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ.

Đối với người bạn đồng hành của mình, bà Harris được cho là đang cân nhắc một số ứng cử viên nam da trắng mà đảng Dân chủ tin rằng có thể giúp thuyết phục những cử tri chưa quyết định ở các bang dao động quan trọng. Cuối tuần qua, bà Harris đã tiến hành phỏng vấn 3 ứng cử viên hàng đầu là ông Josh Shapiro (Thống đốc bang Pennsylvania), ông Tim Walz (Thống đốc bang Minnesota) và ông Mark Kelly (Thượng nghị sĩ của bang Arizona) để chọn người đứng chung liên danh tranh cử với mình. Trong số này, ông Josh Shapiro được coi là lựa chọn chiến lược để thu hút cử tri ở các bang chiến trường. Nhiều đảng viên Dân chủ kỳ vọng, cách tiếp cận thực dụng của ông có thể gây được tiếng vang với các khu vực tương tự.

Tuy nhiên, lập trường của Shapiro về cuộc xung đột Israel - Hamas và phản ứng của ông đối với các cuộc biểu tình bài Do Thái ở các trường đại học Mỹ đã khiến một số nhà hoạt động cảnh báo rằng bà Harris không nên chọn ông. Ông có lập trường ủng hộ Israel rõ ràng, cho dù chỉ trích cách tiến hành cuộc chiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ngoài ra, việc ông thúc đẩy Đại học Pennsylvania phản ứng mạnh với hành vi phá hoại và bài Do Thái trong các cuộc biểu tình trong đại học Mỹ gây ra nhiều tranh cãi. Những người chỉ trích lập luận rằng, quan điểm của ông có thể khiến cử tri Hồi giáo, người Mỹ gốc Ảrập hay cử tri trẻ xa lánh và không đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, trang Axios lại cho rằng, mọi dấu hiệu đều cho thấy ông Shapiro, 51 tuổi, có nhiều khả năng sẽ được chọn làm “phó tướng” cho bà Harris.

Các ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm: Thượng nghị sĩ bang Arizona - Mark Kelly, người tái đắc cử ở một bang biên giới có thể giúp bà Harris phản công các cuộc tấn công của đảng Cộng hòa về chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Biden; và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz, cựu thành viên Hạ viện Mỹ và là giáo sư khoa học xã hội. Ông Walz đã sử dụng những lần xuất hiện trên truyền hình gần đây để tấn công chiến dịch của ông Trump và người liên danh J.D.Vance mà không cần công khai chỉ trích. “Những gã này thật kỳ lạ”, Walz nói trong lần xuất hiện gần đây trên MSNBC, câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng có sức công kích lớn và nhanh chóng được lan truyền.

Cuộc đua đồng đều

Mặc dù mới bước vào cuộc đua, nhưng Phó Tổng thống Kamala Harris đang ngày càng chứng tỏ là đối thủ đáng gờm của cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa. Các cuộc khảo sát từ The Wall Street Journal vào cuối tháng 7 và CBS News/YouGov vào cuối tuần qua cho thấy, cơ hội của bà Harris và ông Trump gần như ngang ngửa nhau, với bà Harris chiếm ưu thế nhỏ trong phạm vi sai số. Điều này đánh dấu thay đổi đáng kể so với vị trí dẫn đầu trước đây của ông Trump so với Tổng thống Biden.

Chẳng hạn, kết quả cuộc thăm dò được tiến hành từ 30.7 - 2.8 với 3.100 cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, với biên độ sai số là 2,1%, cho thấy bà Harris đạt tỷ lệ ủng hộ ngang bằng ông Trump ở các bang Michigan, Pennsylvania và Arizona, dẫn trước 2 điểm ở Nevada, trong khi ông Trump dẫn 1 điểm ở bang Wisconsin, 3 điểm ở bang Georgia và bang North Carolina. Ngoài ra, bà Harris dẫn trước ông Trump 1 điểm trên toàn quốc với tỷ lệ 50% - 49%. Diễn biến mới khiến cuộc đua vào Nhà Trắng càng thêm khó dự đoán, nhất là khi cả hai tỏ ra là “kỳ phùng địch thủ” ở những bang dao động có thể quyết định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Nếu như trước kia vấn đề sức khỏe và độ minh mẫn là ưu thế của ông Trump so với Tổng thống Joe Biden thì nay lại là gánh nặng đối với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Có 64% số người được hỏi cho rằng, bà Harris đủ minh mẫn để đảm nhiệm vai trò điều hành đất nước, trong khi con số này với ông Trump là 51%. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò trên, sự ủng hộ của cử tri đối với ông Trump về vấn đề kinh tế vẫn mạnh hơn so với bà Harris, với tỷ lệ lần lượt là 45% và 25%.

CNN trung bình 4 cuộc thăm dò gần đây nhất cũng cho thấy sự bám sát giữa hai người, với ông Trump đạt mức ủng hộ trung bình là 49%, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà Harris là 47%. Thậm chí, bà còn đang dẫn đầu trong mắt các cử tri nữ - một lợi thế mà đảng Dân chủ đã có và cần trong lịch sử gần đây. Theo họ, bà sẽ giúp ích cho quyền lợi của phụ nữ nếu được bầu. Ngược lại, rất ít phụ nữ có quan điểm như vậy về ông Trump. Tuần trước, ứng cử viên Harris đã tiếp thêm sinh lực cho đảng Dân chủ và khấy động các nhà tài trợ khi thông báo, chiến dịch của bà đã huy động được 310 triệu USD vào tháng 7, gấp đôi số tiền 138,7 USD của đối thủ Trump.

Cách đây 4 năm, vào ngày 11.8.2020, ông Biden đã công bố quyết định chọn bà Harris làm người bạn đồng hành tranh cử của mình qua tin nhắn văn bản và email gửi những người ủng hộ. Do đó các trợ lý cho biết, bà cũng hy vọng công bố lựa chọn của mình theo cách tương tự. “Tôi muốn các bạn là những người đầu tiên biết tôi sẽ chọn ai để phục vụ cùng tôi với tư cách là Phó Tổng thống”, bà nhấn mạnh. Hạn chót để bà Harris chọn người liên danh tranh cử là ngày 6.8.

Có thể nói, việc lựa chọn bạn đồng hành tranh cử sẽ giúp định hình tấm vé vào thời điểm bà Harris đang cố gắng điều chỉnh hình ảnh của mình với các cử tri. Tuần trước, chiến dịch của bà đã làm rõ lập trường về một số vấn đề, bao gồm việc bà không còn ủng hộ hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân “Medicare for All” hay lệnh cấm khai thác khí đá phiến. Tuy nhiên, lợi thế sẽ thuộc về ai vẫn chưa thể nói trước.

Quốc tế

Australia: Hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến ác ý sẽ bị phạt tù tới 7 năm
Quốc tế

Australia: Hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến ác ý sẽ bị phạt tù tới 7 năm

Để tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của công dân và bảo đảm quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, Chính phủ Australia đã trình dự thảo Luật sửa đổi về quyền riêng tư và các quy định khác năm 2024 lên Quốc hội. Do Bộ trưởng Tư pháp Mark Dreyfus thúc đẩy, dự luật này nhằm củng cố pháp luật về quyền riêng tư, đặc biệt tập trung vào việc hình sự hóa hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân một cách ác ý (doxxing).

Ông Donald Trump. Ảnh: Reuters
Quốc tế

Ông Trump nghi bị ám sát hụt lần hai

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump một lần nữa may mắn thoát khỏi một vụ việc, mà FBI cho rằng là một âm mưu ám sát vào hôm 15.9, khi ông đang chơi trên sân golf của mình ở West Palm Beach, Florida.

Châu Phi đối mặt khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Quốc tế

Châu Phi đối mặt khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Trong khi lạm phát đã phần nào được kiểm soát ở các nền kinh tế phát triển, thì châu Phi vẫn đối mặt với tình trạng chi phí sinh hoạt cao cố hữu do giá lương thực tăng, người dân ngày càng khó kiếm việc làm. Những vấn đề này đã gây ra các làn sóng biểu tình ở Nigeria và Kenya trong những tháng gần đây.

Có nên tăng tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp?
Nghị viện thế giới

Có nên tăng tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp?

Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí theo luật định của người sử dụng lao động tại Trung Quốc vẫn tương đối cao. Biện pháp hạ tỷ lệ đóng góp có thể là giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng lại làm gia tăng gánh nặng đối với quỹ hưu trí.

Bao phủ toàn dân bằng hệ thống ba trụ cột
Nghị viện thế giới

Bao phủ toàn dân bằng hệ thống ba trụ cột

Trong hơn ba thập kỷ, Trung Quốc đã nỗ lực chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch cũ, nơi lương hưu được trả và bảo đảm hoàn toàn thông qua các doanh nghiệp nhà nước, sang mô hình phù hợp với thị trường. Hiện tại, Trung Quốc thúc đẩy mô hình hưu trí ba trụ cột, bao gồm hệ thống lương hưu cơ bản do nhà nước lãnh đạo; chương trình lương hưu tự nguyện của người lao động từ người sử dụng lao động; chương trình lương hưu tự nguyện của cá nhân.

Trung Quốc với mối đe dọa nhân khẩu học
Nghị viện thế giới

Trung Quốc với mối đe dọa nhân khẩu học

Lực lượng lao động suy giảm và dân số già hóa nhanh chóng của Trung Quốc đã làm gia tăng mối lo ngại về tính bền vững trong tương lai của quỹ hưu trí, một báo cáo dự đoán rằng tổng chi tiêu của quỹ sẽ bắt đầu vượt quá mức đóng góp vào năm 2028 và dự trữ sẽ giảm theo cấp số nhân sau đó, dẫn đến quỹ sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035.

Simon Dawson / No 10 Downing Street
Quốc tế

Thủ tướng Anh thăm Mỹ: Củng cố "mối quan hệ đặc biệt"

Thủ tướng Anh Keir Starmer có chuyến đi chớp nhoáng tới Washington D.C., Mỹ vào ngày 13.9 để gặp Tổng thống Joe Biden và thảo luận nhiều vấn đề. Trong đó các ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ xoay quanh sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine, nỗ lực bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza, giảm căng thẳng ở Trung Đông, hay thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở…

Australia tăng cường chăm sóc người cao tuổi
Quốc tế

Australia tăng cường chăm sóc người cao tuổi

Nhằm định hình lại lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, Chính phủ Australia mới đây đã trình dự thảo Luật Chăm sóc người cao tuổi năm 2024. Nếu được thông qua, nó sẽ thay thế luật hiện hành và thúc đẩy các cải cách toàn diện về cách cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trên toàn quốc.

Cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Kamala Harris: Ai giành ưu thế?
Quốc tế

Cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Kamala Harris: Ai giành ưu thế?

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump và của đảng Dân chủ Kamala Harris đã có màn so găng đầu tiên trên sân khấu ngày 10.9 (sáng 11.9 theo giờ Việt Nam). Trái ngược với những gì diễn ra hồi tháng 6, ứng cử viên mới của đảng Dân chủ dường như đã cho thấy khả năng làm chủ tình hình và đẩy đối phương vào những tình huống bất lợi. Sau đây là những vấn đề chính trong cuộc tranh luận:

Trung Quốc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu
Thế giới 24h

Trung Quốc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu

Quốc hội Trung Quốc đã đánh giá kế hoạch chính thức về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, đánh dấu bước đi quan trọng nhằm giảm bớt áp lực kinh tế xuất phát từ tình trạng lực lượng lao động đang giảm sút. 

Singapore thông qua luật phân bổ điện trong trường hợp khẩn cấp
Quốc tế

Singapore thông qua luật phân bổ điện trong trường hợp khẩn cấp

Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) có thể sẽ thực hiện phân bổ điện như một "biện pháp cuối cùng" trong thời kỳ khủng hoảng, ưu tiên cho các dịch vụ quan trọng. Quyết định về việc phân bổ điện được đưa ra sau khi Dự luật hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Singapore được thông qua vào hôm 9.9.