Yêu cầu bảo đảm an toàn cho bác sĩ
Ước tính, hơn 1 triệu bác sĩ tham gia đình công, khiến hầu hết các bệnh viện và phòng khám phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân, ngoại trừ các trường hợp cấp cứu. Nhiều cơ sở y tế đã phải huy động nhân viên giảng dạy từ các trường y để xử lý các ca khẩn cấp. Cuộc đình công này là một trong những đợt đóng cửa dịch vụ y tế lớn nhất ở Ấn Độ trong thời gian gần đây, với sự tham gia của các bệnh viện và phòng khám ở nhiều thành phố lớn như Lucknow, Ahmedabad, Guwahati và Chennai.
Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA), tổ chức phát động cuộc đình công cho biết, cuộc đình công được tiến hành trong 24 và kết thúc vào 6h sáng ngày 18.8 giờ địa phương (tức 00h30 giờ GTM).
IMA mô tả vụ hại một nữ bác sĩ vào tuần trước là "tội ác man rợ do không có chế tài và biện pháp bảo vệ an toàn cho phụ nữ". Tổ chức này cũng yêu cầu Chính phủ hỗ trợ "cuộc đấu tranh cho công lý” của họ. Chủ tịch hiệp hội, R V Asokan nhấn mạnh rằng, phụ nữ chiếm đa số trong ngành y tế ở Ấn Độ và cần được đảm bảo an toàn. Theo ông, các bác sĩ đã phải chịu đựng bất công và nỗ lực phản đối bạo lực trong nhiều năm, nhưng sự việc lần này đặc biệt nghiêm trọng. Ông cho rằng, nếu một tội ác như vậy có thể xảy ra tại một trường đại học y, ở một thành phố lớn cho thấy "không nơi nào có thể an toàn đối với các bác sĩ”.
IMA cũng đưa ra danh sách các yêu cầu bao gồm tăng cường luật pháp để bảo vệ tốt hơn nhân viên y tế trước nguy cơ bạo lực, tăng cường mức độ an ninh tại bệnh viện và tạo ra không gian an toàn để các bác sĩ nghỉ ngơi. Bản kiến nghị cũng kêu gọi một "cuộc điều tra tỉ mỉ và chuyên nghiệp" về vụ giết người và truy tố những người liên quan đến hành vi phá hoại, cũng như bồi thường cho gia đình người đồng nghiệp xấu số.
Vụ việc gây chấn động
Vụ cưỡng hiếp và sát hại nữ bác sĩ thực tập 31 tuổi đã gây chấn động trên toàn Ấn Độ. Tuần trước, thi thể bán khỏa thân với nhiều thương tích của cô được phát hiện tại một Hội trường thuộc Cao đẳng Y khoa RG Kar sau khi cô được báo cáo là đã đến đó để nghỉ ngơi trong ca làm việc của mình. Một tình nguyện viên làm việc tại bệnh viện đã bị bắt vì bị nghi ngờ có liên quan đến tội ác này.
Vụ án đã được chuyển từ cảnh sát địa phương sang Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) sau khi tiến trình điều tra hoàn toàn không có tiến triển khiến dư luận bất bình. CBI đã tạm giữ một nghi phạm và đang tiếp tục điều tra, thẩm vấn nhiều sinh viên y khoa và lãnh đạo bệnh viện.
Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố rằng "hành vi tàn ác nhằm vào phụ nữ phải bị trừng phạt nghiêm khắc và nhanh chóng".
Trong một nỗ lực xoa dịu dư luận, Chính phủ Ấn Độ đã kêu gọi các bác sĩ trở lại làm việc vì lợi ích công cộng và cam kết sẽ thành lập một ủy ban để đề xuất các biện pháp cải thiện bảo vệ cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, IMA vẫn chưa có ý định chấm dứt đình công chừng nào những yêu sách của họ về các biện pháp pháp lý để bảo vệ tốt hơn cho nhân viên y tế khỏi bạo lực chưa được đáp ứng.
Vụ án mạng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc trong giới y tế và sự phẫn nộ của công chúng về bạo lực đối với phụ nữ, gợi nhớ đến phản ứng sau vụ cưỡng bức tập thể và sát hại một nữ sinh viên ở New Delhi năm 2012. Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những thay đổi đối với hệ thống tư pháp hình sự sau vụ cưỡng bức tập thể ở Delhi năm 2012, các nhà vận động cho rằng những thay đổi này vẫn chưa đủ để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ tại quốc gia Nam Á này.