Đạo luật bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu
Quy định Chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) được Nghị viện châu Âu thông qua vào năm 2022 và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 30.12 tới, đưa ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ các khu vực bị phá rừng từ năm 2022 trở đi, ngay cả khi việc phá rừng để làm nông nghiệp được coi là hợp pháp ở những khu vực đó. Cụ thể, EUDR sẽ cấm EU nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, bao gồm cà phê, ca cao, đậu nành, gỗ, dầu cọ, gia súc, giấy in và cao su, nếu chúng được sản xuất trên vùng đất do phá rừng sau tháng 12.2020. EU sẽ yêu cầu các công ty nhập khẩu hàng hóa theo dõi chuỗi cung ứng của họ và cung cấp bằng chứng cho thấy sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ các khu vực bị phá rừng bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh và định vị địa lý. Các quốc gia xuất khẩu được coi là có rủi ro cao sẽ phải kiểm tra ít nhất 9% sản phẩm của họ được gửi đến EU. EU cũng đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nhà nhập khẩu để giúp họ đáp ứng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc bắt buộc. Theo dữ liệu của Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF), các sản nhập khẩu vào EU là nguyên nhân dẫn đến 16% tình trạng phá rừng toàn cầu.
Mối lo ngại của Brazil
Tuần trước, Chính phủ Brazil đã gửi đến Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 tại Cuiabá, Brazil bức thư do Bộ trưởng Fávaro và Ngoại trưởng Mauro Vieira cùng chấp bút, trong đó, quốc gia Nam Mỹ yêu cầu EU “hủy bỏ Luật Chống phá rừng và xem xét lại cách tiếp cận trừng phạt đối với các nhà sản xuất”.
Bức thư cũng được gửi đồng thời tới các cơ quan có thẩm quyền của EU tại Bỉ. Bức thư nêu rõ: “Để tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của hai bên, chúng tôi yêu cầu EU không thực hiện các quy định này vào cuối năm 2024 và EU xem xét lại khẩn cấp cách tiếp cận vấn đề của mình”.
Chính phủ Brazil cho rằng EU áp đặt các yêu cầu không thực tế, hạn chế thương mại một cách không cần thiết, đặc biệt là hàng hóa của các nhà sản xuất vừa và nhỏ. Các quy định trong EUDR là “đơn phương” và mang tính “trừng phạt”, có thể ảnh hưởng tới 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Brazil, bức thư nhấn mạnh.
Theo dữ liệu từ Bộ Phát triển, Công nghiệp và Ngoại thương, chính phủ Brazil chỉ ra rằng vào năm 2023, xuất khẩu sang EU đạt 46,3 tỷ USD. Họ tin rằng luật này có thể giảm lượng xuất khẩu xuống gần 15 tỷ USD.
Bức thư nêu rõ Brazil là một trong những nhà cung cấp chính những mặt hàng quy định trong EUDR và những mặt hàng này chiếm hơn 30% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Brazil sang thị trường châu Âu.
Ngoài ra, EUDR cũng sẽ trở thành rào cản lớn cho việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), dự kiến sẽ được nối lại vào cuối năm nay, đúng vào thời điểm EUDR có hiệu lực.
Từ năm 2012, Brazil đã ban hành Bộ luật Lâm nghiệp, được coi là một trong những bộ luật nghiêm ngặt nhất thế giới. Tổng thống Lula da Silva cũng đã cam kết loại bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp ở lưu vực sông Amazon vào năm 2030. Hiện, Brazil có 40 triệu ha đồng cỏ cho năng suất thấp, phù hợp chuyển đổi sản xuất để tăng gấp đôi sản lượng nông nghiệp mà không cần phá rừng.
Với những nỗ lực và thực tế trên, Brazil hoàn toàn tin tưởng có thể thực hiện cam kết không phá rừng cho đến năm 2030, với sự giúp đỡ của EU.
Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Brazil sang EU đạt gần 32 tỷ USD, chiếm 14,1% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chính là dầu khí (tăng 23%), cà phê nguyên liệu (10%), bột đậu nành ( 8,6%) và đậu nành (8,2%).
Hoa Kỳ, cũng như các nước Mỹ Latin, châu Á và châu Phi, lo ngại về gánh nặng hành chính mà luật mới đặt lên vai nông dân và ngành lâm nghiệp.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về bức thư của Brazil nhưng cho biết sẽ trả lời "vào thời điểm thích hợp".
Ảnh hưởng đối với thương mại của EU
Bản thân chính các nước châu Âu, các bộ trưởng nông nghiệp từ khoảng 20 quốc gia thành viên, dẫn đầu là Áo và Phần Lan, đã bày tỏ lo ngại về việc thực thi Luật mới có thể gây ra những khó khăn đối với ngành nông nghiệp, cản trở đầu tư và bóp méo cạnh tranh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu Liên minh châu Âu hoãn thực hiện một phần quy định mới, viện dẫn sự chỉ trích của nhiều nhà xuất bản lớn về tác động tiềm tàng của quy định này đối với các sản phẩm in ấn khi Luật được triển khai vào cuối năm nay.
Ngoài ra, trong bài phát biểu vào tháng 7 trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen tuyên bố rằng Brussels nên "lắng nghe và phản hồi tốt hơn đối với những lo ngại của các đối tác bị ảnh hưởng bởi luật pháp châu Âu", đặc biệt là trong các đạo luật về khí hậu và môi trường.
Ngoài ra, trong một phản ứng đầu tiên từ Nghị viện châu Âu, nhóm đảng lớn nhất trong Nghị viện là EPP đã kêu gọi EU hoãn việc thực hiện EUDR. Tuy nhiên, Pascal Canfin, một nghị sĩ châu Âu của đảng Phục hưng và là Điều phối viên của Ủy ban Môi trường, Y tế công cộng và An toàn thực phẩm tại Nghị viện châu Âu, đã lưu ý trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng: “Brazil cảm thấy quy định về nạn phá rừng có vấn đề vì 1/3 lượng hàng xuất khẩu của nước này có liên quan đến nạn phá rừng”.