Kỳ thi tuyển sinh y khoa quốc gia (NEET) vừa diễn ra - nổi tiếng với mức độ cạnh tranh khốc liệt - đã trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi nhiều báo cáo về việc rò rỉ đề thi và gian lận được công bố, làm lộ rõ nhiều sai sót trong hệ thống thi cử. Trước tình hình này, các nhà chức trách bắt đầu nhận thấy cần có các biện pháp cải tổ để bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong thi cử. Bên cạnh đó, Hội đồng Nghiên cứu và đào tạo giáo dục quốc gia (NCERT) cũng đang đề xuất một loạt biện pháp cải cách nhằm mang lại phương pháp đánh giá toàn diện và công bằng hơn cho học sinh.
Vụ bê bối thi cử mang tính lịch sử
NEET năm nay diễn ra ngày 5.5. Kết quả thi công bố ngày 4.6 cho thấy 67 thí sinh đạt điểm tối đa 720, số lượng nhiều chưa từng thấy. Kể từ năm 2016, khi NEET trở thành kỳ thi đầu vào chính thức của các trường cao đẳng, đại học y Ấn Độ, mỗi năm chỉ có từ 1 đến 3 thí sinh đạt điểm tối đa, thậm chí có năm không có ai. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đạt điểm cao 650 - 680 năm nay cũng tăng đáng kể, khiến sự cạnh tranh vào trường y nhóm đầu của Ấn Độ càng khốc liệt. Kết quả bất thường này đã làm dấy lên làn sóng bất bình sâu sắc từ những sai sót trong đề thi và chấm điểm không chính xác cho đến lộ đề, gian lận. Hàng loạt thí sinh và phụ huynh đã yêu cầu Cục Khảo thí quốc gia Ấn Độ (NTA) tổ chức lại kỳ thi với hàng chục đơn kiến nghị được nộp lên các tòa án ở Ấn Độ.
Vụ bê bối của NEET vừa qua đã cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống thi cử của Ấn Độ, đặt ra câu hỏi về tính công bằng và liêm chính. Một số gia đình trung lưu được cho là đã trả một khoản tiền 15.000 - 20.000USD để xem trước đề thi, nhằm tìm kiếm lợi thế không công bằng trong một kỳ thi mà chỉ có 0,02% trong số 2,4 triệu thí sinh giành được suất vào các trường đại học y khoa của Chính phủ. Mặc dù các cơ quan thực thi pháp luật đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ liên quan đến bê bối, nhưng nhu cầu về các dịch vụ bất hợp pháp trên vẫn tiếp diễn. Điều này cũng dễ hiểu nếu xét về logic kinh tế: những thí sinh gian lận để vào các trường đại học y khoa của Chính phủ sẽ tiết kiệm được khoản tiền đáng kể so với mức học phí cao của các trường tư thục, nơi có thể tốn tới 145.000 USD/năm, cao gấp 10 lần. Bên cạnh đó, uy tín của các trường công về y khoa cao hơn cũng giúp người học có cơ hội cạnh tranh tốt khi ra trường.
Cải cách hệ thống thi cử bằng công nghệ
Cuộc tranh cãi về kỳ thi tuyển sinh y khoa quốc gia nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một cuộc đại tu hệ thống thi cử của Ấn Độ bằng công nghệ. Các phương pháp tiến hành kỳ thi truyền thống đã được chứng minh là dễ dẫn đến nguy cơ rò rỉ đề thi và gian lận trong chấm điểm. Để giải quyết vấn đề đó, nhiều chuyên gia giáo dục nước này đang kêu gọi tích hợp công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như AI tạo thuật toán, để bảo đảm tính toàn vẹn của kỳ thi.
Các giải pháp dựa trên AI có thể cách mạng hóa hệ thống thi cử Ấn Độ bằng cách loại bỏ hoàn toàn các đề thi cố định, được thiết lập sẵn. Thay vào đó, thuật toán AI sẽ tạo ra các bộ câu hỏi riêng cho mỗi học sinh để không có hai bài kiểm tra giống hệt nhau, giảm nguy cơ rò rỉ đề. Hơn nữa, AI có thể điều chỉnh độ khó của các câu hỏi theo thời gian thực, dựa trên phân tích tiến trình học tập của học sinh, mang lại trải nghiệm đánh giá công bằng và cá nhân hóa hơn.
Ngoài ra, một hệ thống linh hoạt cho phép học sinh có thể làm bài kiểm tra nhiều lần và chọn điểm cao nhất sẽ giúp giảm đáng kể áp lực và lo lắng cho các em. Phương pháp này cho phép học sinh thể hiện năng lực tốt nhất mà không sợ một kỳ thi có nhiều rủi ro đến tương lai của mình. Ngoài ra, việc tích hợp tư vấn nghề nghiệp dựa trên AI, cả trực tuyến và một kèm một, có thể hướng dẫn học sinh đưa ra quyết định sáng suốt về các khóa học và con đường sự nghiệp của bản thân. Bằng cách cung cấp thông tin chi tiết về các lựa chọn nghề nghiệp tiềm năng và liên kết chúng với sở thích và khả năng của học sinh, công nghệ này bảo đảm rằng các em không chỉ được chuẩn bị tốt cho kỳ thi, mà còn cho các nỗ lực trong tương lai.
Cải cách dựa trên công nghệ quan trọng khác cũng có thể bao gồm việc loại bỏ ngày thi cố định. Thay vào đó, Ấn Độ có thể áp dụng hệ thống như SAT hoặc GMAT, cho phép học sinh làm bài kiểm tra theo ý muốn. Cách tiếp cận số hóa và ngẫu nhiên này giúp giảm khả năng gian lận mà vẫn bảo đảm quá trình đánh giá công bằng. Hệ thống mới sẽ ưu tiên đánh giá năng khiếu, thái độ và kỹ năng của học sinh. Sự linh hoạt sẽ giảm bớt áp lực của các kỳ thi có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời tạo ra một hệ thống toàn diện và dễ thích ứng hơn.
Một trong những lợi thế đáng kể của phương pháp tiếp cận trên còn là tính bao hàm. Học sinh từ các thị trấn, thành phố cấp 3 và những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ có một sân chơi bình đẳng. Nền tảng kỹ thuật số sẽ xóa bỏ sự thiên vị theo vùng miền, mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh, bất kể tình trạng kinh tế - xã hội của các em.
Các đề xuất cải cách đánh giá toàn diện của NCERT
Trong nỗ lực cải cách phương pháp đánh giá giáo dục, tháng 8 vừa qua, NCERT đã đưa ra Báo cáo đánh giá lại hệ thống thi cử của Ấn Độ. Báo cáo phác thảo một kế hoạch cải cách hệ thống kỳ thi phổ thông lớp 12 bằng cách kết hợp số liệu học tập từ những năm học trước. Hệ thống được đề xuất sẽ có sự thay đổi lớn so với các phương pháp thi truyền thống. Theo mô hình mới, 15% kết quả tốt nghiệp sẽ được lấy từ điểm lớp 9, 20% từ lớp 10 và 25% từ lớp 11; 40% còn lại sẽ dựa trên thành tích của chính lớp 12. Tiếp cận đó được thiết kế để cung cấp đánh giá toàn diện hơn về hành trình học tập của học sinh.
Ngoài ra, NCERT còn đề xuất tích hợp giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng vào chương trình giảng dạy cốt lõi. Các khóa học bắt buộc trong nhiều lĩnh vực như Quản lý dữ liệu, Lập trình, Trí tuệ nhân tạo, Âm nhạc, Nghệ thuật và Thủ công sẽ chuẩn bị tốt hơn cho học sinh khi đối mặt với những thách thức trong thế giới thực, phù hợp với các mục tiêu của Chính sách giáo dục quốc gia 2020 (NEP 2020).
NCERT cũng đề xuất một hệ thống dựa trên tín chỉ để đánh giá thành tích của học sinh từ lớp 9 đến lớp 12. Theo đó, học sinh sẽ phải đạt được một số tín chỉ nhất định cho mỗi môn học. Ví dụ, học sinh lớp 9 và lớp 10 phải tích luỹ được 32/40 tín chỉ có thể đạt được, trong khi học sinh lớp 11 và lớp 12 phải đạt được 36/44 tín chỉ. Các tín chỉ còn lại có thể đạt được thông qua các khóa học trực tuyến, hoặc các dự án nghiên cứu và cộng đồng. Phương pháp hướng tới mục tiêu cung cấp sự linh hoạt và công nhận nhiều trải nghiệm học tập hơn.
Trong bối cảnh hệ thống thi cử của Ấn Độ đang đứng trước ngã ba đường, những cải cách được đề xuất nếu được hiện thực hóa và phát huy hiệu quả, áp lực lớn mà học sinh nước này đang phải đối mặt sẽ vơi đi nhiều phần, từ đó góp phần khôi phục niềm tin vào sự công bằng của hệ thống giáo dục quốc gia.