Theo Tân Hoa Xã, các thành viên cấp cao của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vừa qua đã thảo luận về việc nâng tuổi nghỉ hưu, trong bối cảnh nhiều lo ngại về vấn đề lao động và việc làm. Dự thảo sửa đổi luật điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu dự kiến sẽ được công bố để lấy ý kiến phản hồi của công chúng trong những tuần tới.
Giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Lao động Trung Quốc Mo Rong nhận định: “Việc Trung Quốc thích nghi với tình hình phát triển dân số bình thường mới là lựa chọn tất yếu”.
Hồi tháng 7, Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ dần dần nâng tuổi nghỉ hưu để mọi người có thể làm việc lâu hơn, nhằm giảm bớt áp lực lên ngân sách lương hưu khi nhiều tỉnh đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt lớn.
Hiện nay, tuổi nghỉ hưu tại Trung quốc là 60 đối với nam giới, thấp hơn khoảng sáu năm so với hầu hết các nền kinh tế phát triển; trong khi đối với phụ nữ làm công việc văn phòng là 55 tuổi và 50 đối với phụ nữ làm việc trong nhà máy.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, đề xuất cải cách này là cấp thiết khi tuổi thọ trung bình ở Trung Quốc tăng lên 78 tuổi vào năm 2021, từ khoảng 44 tuổi vào năm 1960 và dự kiến sẽ vượt quá 80 tuổi vào năm 2050.
Dân số Trung Quốc đã giảm trong hai năm liên tiếp và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong nhiều thập kỷ, gây áp lực lên dân số đang già hóa nhanh chóng. Các cơ quan y tế quốc gia dự kiến nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu vào năm 2035, bằng tổng dân số hiện tại của Anh và Mỹ cộng lại.
Mỗi người dân khi về hưu tại quốc gia này hiện được hỗ trợ bởi sự đóng góp của năm người lao động, bằng một nửa so với một thập kỷ trước và có xu hướng tăng lên 4:1 vào năm 2030 và 2:1 vào năm 2050. Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy, 11 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của Trung Quốc đang thâm hụt ngân sách lương hưu. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dự kiến hệ thống lương hưu sẽ cạn kiệt tiền vào năm 2035.