- Là Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bạch Thông, Ông đánh giá như thế nào về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hiện nay của huyện?
GĐ Trần Văn Tuyến: Huyện Bạch Thông phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên từ năm 1999, sau đó số lượng được phát hiện tăng dần, tuy nhiên trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay số lượng nhiễm mới có giảm qua từng năm. Số lũy tích trên địa bàn huyện hiện nay là khoảng 280 người nhiễm HIV, hơn 130 người đã chuyển sang AIDS. Trước tình hình đó, trung tâm y tế huyện đã tham mưu với các cấp, các ngành tiến hành tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, về công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm y tế đã tham mưu cho các cấp chính quyền tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyền truyền cho các cấp, các ngành nắm được những quy định về các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống HIV/AIDS; tham mưu cho các cấp chính quyền tổ chức các lễ mít tinh, lễ phát động; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền trên sóng phát thanh truyền hình, các trang thông tin điện tử về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành đào tạo và tổ chức mạng lưới cán bộ phụ trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên đến tận xã, thôn, bản để thực hiện truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Đối với công tác chuyên môn, Trung tâm y tế đã có đề xuất với các cấp có thẩm quyền thành lập phòng tư vấn và xét nghiệm tự nguyện. Hiện nay, mỗi tháng trung tâm đón tiếp khoảng 50 - 150 lượt các đối tượng tự nguyện đến nhận các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện. Đối với những người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, trung tâm đã tổ chức điều trị ngoại trú ARV và điều trị nhiễm trùng cơ hội, đồng thời kết nối các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến tới bệnh viện huyện và các tuyến trên để điều trị. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại như trao đổi bơm kim tiêm, cung cấp bao cao su cho những người nghiện chích ma túy trên địa bàn.
- Là huyện miền núi, dân cư chủ yếu là dân tộc thiểu số, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn gặp những khó khăn gì, thưa Ông?
GĐ Trần Văn Tuyến: Khó khăn nhất trong quá trình triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện là do đối tượng chủ yếu là nghiện chích ma túy nên việc tiếp cận, tư vấn, quản lý và điều trị còn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong quá trình tiến hành tiếp cận và điều trị có thể đã thực hiện rất tốt, nhưng do nghiện chích ma túy mà các đối tượng này vi phạm pháp luật, dẫn đến việc bị bắt giữ gây ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Thứ hai là do địa bàn huyện thuộc vùng cao, người dân còn nghèo, chủ yếu còn tập trung vào việc mưu sinh nên chưa có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cũng như tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Thứ ba là do ngôn ngữ, một số người dân tộc thiểu số không nghe được tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền, tư vấn, tiếp cận còn khó khăn.
- Vậy có thể nói hoạt động của các tình nguyện viên, tiếp cận viên cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong viêc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện, thưa Ông?
GĐ Trần Văn Tuyến: Chương trình can thiệp giảm tác hại và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS được duy trì từ nhiều năm nay và đã đạt được những kết quả khả quan. Để có được những kết quả ấy, không thể không nhắc tới đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua cho thấy, đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng đóng vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối trung gian giữa người quản lý, điều hành chương trình với cộng đồng. Những nỗ lực của họ đã và đang góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng, nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng trước căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt thì nhân tố con người là yếu tố tiên quyết, nếu không có sự quyết tâm, lòng nhiệt tình, các đồng đẳng viên sẽ khó bám trụ lâu dài với công tác xã hội này. Do vậy, cần lựa chọn được các tình nguyện viên, tiếp cận viên cộng đồng có sức khỏe, có sự tình nguyện cao, năng lực tốt, trong đó đội ngũ tuyên truyền viên tại các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa còn phải biết tiếng dân tộc thiểu số để khi tiếp nhận các kiến thức mới về phòng, chống HIV/AIDS có thể tuyên truyền, truyền tải, giải thích cặn kẽ, chi tiết cho các đối tượng được tiếp cận nắm rõ.
- Ông có đề xuất gì để thúc đẩy hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện?
GĐ Trần Văn Tuyến: Để công tác phòng, chống HIV/AIDS duy trì và phát huy được những kết quả đã đạt được, thời gian tới Trung tâm y tế nói riêng và huyện Bạch Thông nói chung rất mong muốn các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, thay đổi chính sách đối với những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bởi, theo tôi hiện nay dù đã có những ưu tiên nhất định đối với những cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng do phòng, chống HIV/AIDS là công việc hết sức khó khăn và không phải ai cũng tình nguyện làm. Do vậy, cần có sự thay đổi để chế độ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được tương xứng với công việc đang làm. Đồng thời, qua đó có thể kêu gọi được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Có như vậy, phòng chống HIV/AIDS mới tiếp tục duy trì và đạt được những kết quả tốt hơn nữa.
- Xin cám ơn Ông!