Ngay từ những chất vấn đầu tiên, nhiều câu hỏi trực diện, sắc nét, đề cập đến những vấn đề thời sự liên quan đến công tác quản lý về đất đai đang được cử tri và dư luận dành sự quan tâm đặc biệt được các đại biểu nêu ra với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Không chỉ thổi giá mà còn là dìm giá, quân xanh, quân đỏ
Với kinh nghiệm nhiều lần đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời các câu hỏi của đại biểu với tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị, không né tránh những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong lĩnh vực được giao quản lý.
Với việc đấu giá đất, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, “không chỉ có thổi giá mà thực tế còn là dìm giá, quân xanh, quân đỏ”. Và, đây là điều hết sức bức xúc, gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, làm cho việc thổi giá lên, tạo ra mặt bằng mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Nếu nói sâu hơn nữa, theo Bộ trưởng, “việc thổi giá lên sau đấy còn rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là với các ngân hàng khi những giá đấy là giá ảo, giá không thực, nhưng có thể thế chấp và rút tiền ngân hàng là thực, sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và rất nhiều các vấn đề khác”.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã có đánh giá, nghiên cứu khá kỹ lưỡng, đặc biệt các hiệp hội cũng đã góp ý”, và “đã thấy có mấy nguyên nhân”. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên được Bộ trưởng chỉ ra, liên quan đến pháp luật. Việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau: Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định liên quan đến tài chính, thuế... Do nhiều luật nên các quy định thiếu cụ thể, kể cả trình tự, phương thức, đặc biệt khi một loại tài sản giá trị về tài nguyên khác biệt như đất đai...
Từ thực tế này, Bộ trưởng thấy rằng, “phải có quy định phương pháp, trình tự để đấu giá đối với tài sản là đất đai, phải có phương pháp khác hơn so với trình tự hiện nay, chặt chẽ hơn”. Cụ thể với hiện tượng nhà đầu tư trả giá “trên trời” rồi “âm thầm bỏ cọc” mà đại biểu nêu, Bộ trưởng nêu rõ: phải có một chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với nhà đấu giá mà bỏ không tham gia để cho họ không thể tham gia đấu giá và phải đánh vào vấn đề về kinh tế để đủ sức răn đe.
Với mong muốn “Bộ trưởng làm rõ hơn” vấn đề, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu vấn đề: hiện nay trên thị trường việc “sốt đất” là có thực - vậy sốt đấy có phải là “sốt ảo” không, vấn đề tăng giá này có là “sốt ảo” không? Nếu có dấu hiệu lũng đoạn, có âm mưu lừa dối, lừa đảo, tăng giá trị đất để vay ngân hàng, chiếm dụng tiền của ngân hàng, hơn nữa là âm mưu phá hoại nền kinh tế đất nước thì tại sao chúng ta không xử lý hình sự?...
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vụ việc Thủ Thiêm Chính phủ đang giao các cơ quan có trách nhiệm làm rõ. “Đây là do điểm yếu về pháp luật”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng thẳng thắn: chúng tôi đã làm rõ và đã có báo cáo, sắp tới làm gì cũng đã rõ, về vấn đề chính sách, pháp luật, các luật liên quan...”.
Thừa nhận việc làm biến động, thổi giá, đầu cơ đất đai là hiện tượng “rõ ràng và có thực”, Bộ trưởng cũng nêu rõ, đây là điều “rất không tốt đối với nền kinh tế”, nên ở đây Nhà nước phải điều tiết giá. Trả lời câu hỏi có nên “hình sự hóa” việc đẩy giá đất hay không, theo Bộ trưởng, muốn hình sự được thì chúng ta phải bổ sung chế tài để xem xét những vấn đề nào cố tình lợi dụng thì chúng ta mới có thể tính toán và mới đủ các điều kiện. “Quan điểm của tôi là cũng không cần hình sự hóa, chỉ cần công cụ kinh tế là chúng ta có thừa sức để điều chỉnh và tính toán một bài toán rất đơn giản về vấn đề cung cầu và chúng ta sẽ chủ động khi đưa ra nguồn đất của Nhà nước cho phù hợp...”.
Có thể thấy, đất đai và những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai luôn là vấn đề nóng, đã và đang gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, chiếm phần lớn trong các khiếu nại, tố cáo hiện nay, cho nên, dù Bộ trưởng đã trả lời khá chi tiết về “đấu thầu”, “bỏ cọc”... nhưng nhiều đại biểu tiếp tục chất vấn, tranh luận đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Đặc biệt, có nên hình sự hóa hành vi gây lũng đoạn thị trường để xử lý nghiêm các vi phạm hay không?...
“Tham gia thêm” với Bộ trưởng và các đại biểu tranh luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Tôi hiểu hình sự hóa là quan hệ dân sự hoặc là quan hệ hành chính mà ta lại biến nó thành quan hệ hình sự thì trường hợp đấy mới gọi là hình sự hóa. Còn đối với vụ việc đấu thầu, bỏ cọc vừa rồi, quá trình rà soát, xem xét xử lý mà chúng ta thấy có sai phạm về vấn đề dân sự thì ta xử theo pháp luật về dân sự; nếu sai phạm về hành chính thì chúng ta xử lý pháp luật về hành chính; còn quá trình rà soát, điều tra mà thấy có những sai phạm về hình sự thì chúng ta xử lý về hình sự. Nhận thấy ý của Bộ trưởng với các đại biểu “không mâu thuẫn gì với nhau”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “không hình sự hóa là đúng, nếu quy định pháp luật về dân sự, hành chính mà ta xử lý hình sự thì đúng là hình sự hóa. Nếu trong vụ việc này, quá trình xem xét xử lý mà thấy có sai phạm thì sai phạm ở quan hệ nào, chúng ta xử lý theo pháp luật của quan hệ đó”.
Cần quy định chặt chẽ hơn trong Luật Đấu giá tài sản
Trong tổng số 80 đại biểu đăng ký chất vấn đối với 2 Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì chiếm hơn một nửa là chất vấn với “Tư lệnh” ngành tài nguyên và môi trường (45 đại biểu). Điều này phần nào cho thấy sức nóng cũng như sự quan tâm dành cho lĩnh vực Bộ trưởng Trần Hồng Hà được giao quản lý. Thổi giá đất lên cao để trục lợi cá nhân chỉ là một trong số 3 nội dung trong nhóm vấn đề thứ hai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đưa ra chất vấn với lĩnh vực này.
Tại Phiên chất vấn chiều qua, những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương... cũng được nhiều đại biểu tập trung chất vấn với Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trách nhiệm chính trả lời là Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Tuy nhiên, đất đai và những vấn đề xung quanh vấn đề này liên quan tới nhiều bộ, ngành. Vì thế, tham gia giải trình làm rõ vấn đề tại Phiên chất vấn còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Qua phần giải trình này, vấn đề đại biểu đặt ra đã được làm rõ hơn, và đi đến gốc rễ của vụ việc.
Soi chiếu các quy định của pháp luật, cụ thể với trường hợp vụ việc ở Thủ Thiêm vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đây đúng là “mất cọc”. Nếu như phân tích một cách bình thường, “câu chuyện này là theo cơ chế thị trường và chúng ta phát hiện được các dấu hiệu bất bình thường có thể chứng minh được thì chúng ta cứ xử lý. Theo tôi khung pháp luật hiện hành và quy định của pháp luật hiện hành cũng đã tương đối đầy đủ”, Bộ trưởng nêu rõ.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn, qua vụ việc vừa rồi, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận thấy, “cần phải có một số các giải pháp, giải pháp trước mắt, ngay lập tức là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu giá tài sản năm 2020. Hai công điện của Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi vụ việc xảy ra, có giao nhiệm vụ rất kỹ cho các cơ quan. Một số các vấn đề về trình tự, thủ tục cần quy định một cách chặt chẽ hơn ở trong Luật Đấu giá tài sản và rà soát các khung liên quan đến tiền đặt cọc, các khoản tiền thu có liên quan trong pháp luật về đất đai”.
Trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các thành viên Chính phủ... “tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh hay vòng vo, làm rõ thực chất, thực trạng của tình hình, có câu trả lời, có đáp án rõ ràng, cụ thể, chắc chắn đối với từng nhóm vấn đề cả trước mắt cũng như định hướng cho căn cơ và lâu dài đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm”.
Theo dõi 2 phiên chất vấn với lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường lần này, có thể thấy, yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội đã được thực hiện nghiêm, góp phần vào thành công của hoạt động chất vấn đầu tiên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV tổ chức. Đặc biệt hơn, sau phiên chất vấn, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, một sản phẩm cụ thể làm cơ sở pháp lý cho giám sát “hậu chất vấn - dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn sẽ được hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua ngay trong đợt 2 của Phiên họp thứ Chín này. “Đây là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng, làm cho công tác giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.