Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan
Trong đợt 1 của Phiên họp thứ Chín, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ mới tổ chức đã thành công tốt đẹp. Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 - Phiên họp thứ Chín, trong tháng 3 này.
Đánh giá về nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, nội dung thể hiện trong dự thảo Nghị quyết này đã bám sát đổi mới về cách thức thể hiện văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV. Đặc biệt, bố cục dự thảo Nghị quyết được điều chỉnh theo hướng không trình bày từng điều (như các nhiệm kỳ trước) mà sẽ viết theo cách như nghị quyết chung, trình bày theo từng vấn đề chung.
Trong đó đã đưa ra những yêu cầu cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Trong đó, đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường phải tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan, bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với lĩnh vực công thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống. Đặc biệt, phải “có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh”.
Với việc điều hành giá xăng dầu - nội dung được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ cần phải nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu. Bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Một nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn ngày 16.3 vừa qua, đó là việc ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu, nhất là với nông sản. Với vấn đề cụ thể này, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, cần tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản. Có chính sách đẩy nhanh việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với lộ trình thực hiện cụ thể. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ, thời gian nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu…
Tạo chuyển biến sau chất vấn
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV diễn ra rất sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, Nhân dân cả nước và đã thành công tốt đẹp. Dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị khẩn trương, tương đối công phu, kỹ lưỡng, do đó đã nhận được sự đồng tình cơ bản của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng qua.
Thay mặt Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương hết sức cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này. Bởi, thông qua hoạt động này, người dân và tất cả các cơ quan liên quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đã hiểu rõ hơn nhiều vấn đề trong quản lý ngành công thương. Hiểu đúng về nhiều điều bộ quản lý ngành đã làm tốt nhưng dư luận đánh giá chưa đúng, cũng như những vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên chất vấn.
Để tiếp tục hoàn thiện hơn nội dung Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số quy định, trong đó có quy định về giải pháp cho tình trạng ùn ứ hàng hóa, nhất là nông sản ở nhiều cửa khẩu. Bởi, việc chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch là một quá trình. Vấn đề cử tri quan tâm ở đây là phải tập trung để giải quyết tình trạng ách tắc về vấn đề ùn ứ hàng hóa, nhất là hàng nông sản tại các cửa khẩu. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong Nghị quyết cần đề cập những giải pháp khắc phục "trực diện và cấp bách". Theo đó, cần bổ sung quy định “có chính sách, giải pháp để giải quyết được tình trạng ùn ứ hàng hóa, nhất là hàng nông sản tại các cửa khẩu”, trước khi quy định về giải pháp mang tính chất dài hạn. “Cử tri quan tâm nhất là việc trực diện này, chủ đề chúng ta đặt ra là giải quyết vấn đề ùn ứ hàng nông sản, cho nên Bộ Công thương với Chính phủ phải tập trung làm việc này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Và có lẽ không dừng lại ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà như gợi mở của Chủ tịch Quốc hội, để đáp ứng kịp thời hơn đòi hỏi của cuộc sống, thì trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội cần nghiên cứu, triển khai hoạt động giám sát thực tế mỗi khi xảy ra hiện tượng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu, nhất là ùn ứ nông sản.
Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ Chín với nhiều nội dung cụ thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với sự nhất trí cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.