Đề xuất 5 chuyên đề giám sát
Trình bày Báo cáo về dự kiến chương trình giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề gồm: Chuyên đề 1, việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chuyên đề 2, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). Chuyên đề 3, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chuyên đề 5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề theo Phiếu xin ý kiến. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).
Xác định rõ phạm vi giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng tái tạo
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, các chuyên đề giám sát trong dự kiến chương trình cơ bản phù hợp, được cử tri và Nhân dân quan tâm, được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm bám sát quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nên giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030) bởi đây là các chương trình có ý nghĩa kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh rất lớn.
Liên quan đến chuyên đề 4, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên cân nhắc kỹ về phạm vi giám sát; xác định rõ khoảng thời gian giám sát. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc tiến hành giám sát chuyên đề 5 về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020 vào năm 2024. "Khi đó sẽ giám sát cả việc thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, gói kích cầu phát triển kinh tế. Chúng ta sẽ giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cho đến thời điểm giám sát", Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương giao Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục hoàn thiện Báo cáo dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, đánh giá thêm về sự cần thiết của từng chuyên đề, trách nhiệm của các cơ quan trong đề xuất chuyên đề giám sát.
Qua phiếu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, có 17/18 phiếu đồng ý với chuyên đề 1, việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid – 19; 13/18 phiếu đồng ý chuyên đề 2, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030); 16/18 phiếu đồng ý với chuyên đề 3, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; 13/18 phiếu đồng ý chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo; 10/18 phiếu đồng ý với chuyên đề 5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề gồm: chuyên đề 1, chuyên đề 2, chuyên đề 3, chuyên đề 4.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trên cơ sở thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị hoàn thiện các chuyên đề giám sát. Tiếp tục chuẩn bị theo hai phương án: Một là, chuẩn bị toàn bộ hồ sơ chi tiết trình Quốc hội thông qua các chuyên đề giám sát. Hai là, Quốc hội chỉ thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định kế hoạch, đề cương chi tiết.