Góp phần bình ổn thị trường xăng dầu
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định của Luật Giá thì xăng dầu là hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống và giá bán xăng dầu được Nhà nước quản lý, điều hành nhằm bảo đảm bình ổn giá cả. Trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, để bảo đảm cân đối cung - cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, các sắc thuế hiện hành áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trườn và thuế giá trị gia tăng (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu). Từ cơ cấu các chính sách thuế đối với xăng dầu nêu trên thì giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.
Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31.12.2022 như sau: đối với xăng, giảm từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; đối với mỡ nhờn, giảm từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; đối với dầu hỏa, giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Riêng đối với nhiên liệu bay, Chính phủ đề xuất giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31.12.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1.1.2023 thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để bảo đảm tính kịp thời của chính sách, Chính phủ đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.4.2022 đến hết ngày 31.12.2022.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện hiện nay, nhằm để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
Về mức giảm thuế đối với từng mặt hàng quy định trong dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến thống nhất với các mức giảm thuế theo đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ vì việc giảm thuế là chính sách hỗ trợ, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, vừa bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường thế giới hiện nay, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, giá dầu thô biến động lớn, khó lường, có thể xây dựng phương án giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức giá dầu thô để bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, cân đối ngân sách Nhà nước.
Về thời gian áp dụng Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng Nghị quyết từ 1.4.2022 đến 31.12.2022 như đề xuất của Chính phủ.
Về đề xuất áp dụng quy định của Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14, dự thảo Nghị quyết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1.1.2023 được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26.9.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, theo đó, sau thời điểm 31.12.2022, các mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 (nội dung được thể hiện tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị quyết).
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ trong việc ban hành, thực thi các quy định pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo Nghị quyết theo hướng: Không áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26.9.2018 của UBTVQH từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31.12.2022.
Cần sử dụng các công cụ khác để bình ổn giá xăng dầu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng dầu, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện giá xăng dầu thế giới tăng cao. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc này chắc chắn sẽ làm giảm thu ngân sách, đặt ra áp lực cân đối ngân sách của Chính phủ nhưng Bộ Tài chính với tinh thần chia sẻ với người dân, doanh nghiệp; cùng với đó, Bộ Công thương cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và thuộc diện bình ổn giá. Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu trong nước là bám sát giá thế giới, có sự quản lý của Nhà nước. Vấn đề này liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tăng trưởng, việc làm, đời sống của người dân. Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách liên quan đến bình ổn giá, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trong bối cảnh tới đây giá xăng dầu thế giới có thể còn tiếp tục tăng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần phải sử dụng các công cụ khác để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng dầu, giữ giá xăng dầu trong nước ổn định.
Thống nhất với mức giảm do Chính phủ đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, về dài hạn, cần sử dụng các công cụ khác như thuế xuất nhập khẩu, cùng với đó, nên cân nhắc bỏ xăng dầu ra khỏi danh sách hàng hóa bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định quản lý, điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời, có đủ các giải pháp để bảo đảm giá bán xăng dầu hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của Nhân dân, kiểm soát lạm phát, rà soát điều chỉnh phù hợp các khoản thuế phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, định mức hao hụt, định mức lợi nhuận, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá thị trường và các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội, chú ý tới các giải pháp bảo đảm nguồn lực, cân đối ngân sách, tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường và phát triển bền vững.