Tăng trưởng ngoạn mục
- Khép lại năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt gần 17,3 tỷ USD. Động lực nào giúp ngành đạt được kết quả tích cực như vậy thưa ông?
- Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ giảm tới 15,9% và chúng tôi đã sợ rằng sẽ mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ trong 1 năm, ngành đã phục hồi rất tốt, tăng trưởng ngoạn mục. Theo đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2024 đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm ngoái. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có chỗ đứng khá vững chắc tại một số thị trường, chiếm được lòng tin của khách hàng.
Có được kết quả này là do các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đã qua thời kỳ rất khó khăn, sức mua dần phục hồi. Sau đó là năng lực vượt khó, năng lực cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả của doanh nghiệp gỗ nước ta.
Chính phủ cũng đã hỗ trợ rất tích cực để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu, nhất là những chính sách liên quan đến các gói tín dụng, ưu đãi cho hai ngành hàng gỗ và thủy sản. Ngoài ra, với chính sách ngoại giao kinh tế, thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm gỗ. Doanh nghiệp trong nước cũng chủ động tìm kiếm mở rộng thêm thị trường…
- Ông dự báo như thế nào về xuất khẩu gỗ trong năm 2025. Những thị trường nào sẽ mang lại triển vọng cho ngành gỗ, thưa ông?
- Với những kết quả tích cực trong năm 2024, năm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt trên 18 tỷ USD và tôi rất kỳ vọng có thể vượt con số này.
Theo đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng nhất. Với quan hệ ngoại giao và chính trị tốt thông qua việc hai bên là đối tác chiến lược toàn diện, hy vọng sản phẩm Việt Nam vẫn rộng đường xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các thị trường khác cũng có thể duy trì mức tăng trưởng bình thường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU… bởi không dễ gì tìm được các loại sản phẩm thay thế nguồn cung từ Việt Nam.
Ngoài ra, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tăng cường xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là nâng cao năng lực thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc hợp pháp sẽ giúp sản phẩm gỗ Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường quan trọng và khó tính.
- Bên cạnh những cơ hội, ngành phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?
- Đúng là ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ ngày càng siết chặt yêu cầu về xuất xứ gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành nâng cao kiểm soát chuỗi cung ứng, đặc biệt là bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp. Các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều là những thị trường có tiềm năng mạnh, khiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chưa kể cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến hồi kết.
Bên cạnh đó, vận tải biển và logistics có thể phát sinh những biến động gây đứt gãy chuỗi cung, tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu...
Tăng cường năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
- Như các ngành hàng khác, công nghiệp gỗ Việt Nam vẫn phải dựa vào hai động lực chính là tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Theo ông, cần có những bước đi cụ thể như thế nào để thúc đẩy hai động lực trên?
- Thực tế, hai động lực này đã dần phát huy tác dụng. Đối với chuyển đổi xanh, tất cả doanh nghiệp gỗ cần tiến hành kiểm kê khí nhà kính; xem xét khâu nào gây thể phát thải nhiều để có biện pháp giảm thiểu từ khai thác, vận chuyển nguyên liệu đến nhà máy tới logistics và các khâu khác trong quá trình sản xuất để bảo đảm phát thải bằng 0.
Chuyển đổi số cũng phải áp dụng trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm gỗ, từ quản trị doanh nghiệp theo hướng sử dụng các phần mềm quản trị hiện đại. Các doanh nghiệp cũng cần tích cực sử dụng các tiện ích mà công nghệ số mang lại vào tất cả các khâu như thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Đặc biệt là bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử...
- Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động nào, thưa ông?
- Hiệp hội xác định trọng tâm ưu tiên là tăng cường năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, các cơ quan đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, kịp thời cảnh báo để doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được các kịch bản bị cấm kỵ khi một nhóm sản phẩm bị khởi kiện và bị khởi xướng điều tra để áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục các hoạt động hướng tới việc thực thi hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS), liên kết tất cả chủ thể có liên quan trong chuỗi cung ứng gỗ, từ nông dân trồng rừng đến các thương lái tham gia cung ứng nguyên liệu gỗ và các doanh nghiệp đầu chuỗi chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hội chợ quốc tế, không chỉ để ký hợp đồng mà còn để quảng bá rộng rãi hơn cho sản phẩm gỗ Việt Nam.
Hiệp hội cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tăng cường ngoại giao kinh tế; tăng cường truyền thông đối ngoại, phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng Chính phủ, Hiệp hội, doanh nghiệp gỗ Việt Nam quyết tâm theo đuổi ngành công nghiệp gỗ có trách nhiệm bền vững. Cố gắng kết nối tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia các Hội chợ liên quan đến công nghiệp gỗ nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, xem xét và có giải pháp mang tính đột biến để doanh nghiệp gỗ có thể tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng một cách thuận lợi, ít rủi ro.
- Xin cảm ơn ông!