Cả Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều sửa đổi lại dự đoán của họ về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng cao hơn các dự đoán trước. Theo IMF, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,9% - cao nhất trong vòng 30 năm qua, và cao hơn so với dự đoán ban đầu chỉ là 4,2%. OECD cũng rất lạc quan khi nhận định tăng trưởng sẽ lan cả đến những nơi có tốc độ tăng trưởng chậm như Nhật Bản và châu Âu, trong khi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đã giúp nới lỏng áp lực giảm lạm phát toàn cầu khi giá dầu vẫn đứng ở mức cao.
Nhiều nhà kinh tế ở các trung tâm phân tích kinh tế thế giới cũng cho rằng triển vọng kinh tế năm 2007 rất sáng sủa, dù nhiều rủi ro và bất trắc vẫn còn đó. Một trong những cơ sở cho dự đoán này là khả năng kiềm chế lạm phát của nền kinh tế toàn cầu. Tính cạnh tranh tăng lên trên toàn cầu do những nỗ lực không ngừng mở cửa thị trường của các nền kinh tế trên thế giới đã làm cho các nhà sản xuất không còn đơn giản chuyển mức tăng giá dầu vào tay người tiêu dùng nữa. Các công ty phải cắt giảm lợi nhuận hoặc thu hẹp biên độ lợi nhuận và bù vào đó là tăng số lượng hàng bán ra để đảm bảo mức lãi ròng kỳ vọng, chứ không phải là tăng giá bán. Điều này không có nghĩa là giá dầu không có ảnh hưởng gì đến tăng trưởng kinh tế; tác động của việc tăng giá dầu là có nhưng không lớn như cách đây chừng 10 năm.
Tất nhiên, góp phần vào trong sự tiến bộ này có yếu tố khách quan là hiệu quả sử dụng năng lượng đã được cải thiện rõ rệt so với trước đây, và vì thế lạm phát (do dầu tăng giá) không còn là mối bận tâm lớn như trước đây nữa.
Tuy vậy, một số nhà phân tích cảnh báo rằng người ta không nên chủ quan với những con số khá đẹp về nền kinh tế thế giới trong năm 2006 này vì chúng không phản ánh đúng tình hình thực tế của nó. Số liệu kinh tế của Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này có dấu hiệu đi xuống khi tiêu dùng giảm do chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng đi xuống, và thị trường bất động sản cũng kém phần sôi động hơn.
Trước đây mấy tháng khi Mỹ nâng lãi suất, người ta cho rằng tác động của việc này sẽ là không lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Nhưng nay thực tế cho thấy ngược lại khi mà lòng tin của người tiêu dùng tiếp tục tụt dốc. Lãi suất của Mỹ hầu như được coi là yếu tố quyết định tương lai của nền kinh tế thế giới và vì thế cả thế giới chú mục vào diễn biến của lãi suất Mỹ trong tương lai. Đây cũng chính là nguồn gốc cho mọi bất trắc có thể xảy ra với nền kinh tế thế giới.
Nếu Mỹ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao như hiện nay, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, và do đó sẽ làm nền kinh tế thế giới chậm lại theo, đặc biệt là nền kinh tế châu Á, khu vực vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc móc hầu bao của người tiêu dùng Mỹ cho các sản phẩm giá rẻ của họ.
Tuy vậy, rủi ro tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới mới chỉ là những câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra nếu ...?”. Nếu nhìn trong ngắn hạn thì bức tranh về nền kinh tế thế giới có vẻ rủi ro hơn. Nhưng nếu nhìn về lâu dài, nền kinh tế thế giới sẽ đủ năng động để đối phó với việc tăng lãi suất vừa phải, do đó sẽ không có khả năng nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong tương lai. Thực tế, nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục tiến bước mạnh mẽ về phía trước trong dài hạn.
Ts. Phan Minh Ngọc
Khoa kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản