Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đặc biệt đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên Liên minh châu Phi (AU) tham gia với tư cách là thành viên chính thức của G20, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của sự hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia tiên tiến. Tổng thống Lula da Silva muốn trở thành người xây dựng cầu nối, mang tiếng nói đến Nam Bán Cầu trong khi mở ra cuộc đối thoại với Bắc Bán Cầu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Những trọng tâm thảo luận
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững” công bố 3 ưu tiên: Chiến đấu với nạn đói, nghèo và bất bình đẳng; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; cải cách quản trị toàn cầu. Dự kiến, các nhà lãnh đạo G20 sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm tái thiết và củng cố hệ thống đa phương, bắt nguồn từ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế, với các thể chế đổi mới và một nền quản trị được cải cách mang tính đại diện, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm hơn, phản ánh thực tế xã hội, kinh tế và chính trị của thế kỷ XXI.
Trọng tâm của cuộc thảo luận sẽ là cải cách quản trị toàn cầu, một chủ đề chính trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Brazil. Theo đó, các nước sẽ thảo luận về cách hiện đại hóa các tổ chức quốc tế chính, như LHQ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới, để phản ánh thực tế đương đại, thúc đẩy quản trị công bằng và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, sáng kiến Liên minh toàn cầu chống đói nghèo sẽ chính thức được ra mắt vào ngày đầu tiên diễn ra hội nghị thượng đỉnh, đánh dấu bước tiến xa hơn nữa hướng tới mục tiêu xóa bỏ nạn đói cùng cực trên toàn thế giới theo thời hạn năm 2030 của LHQ. Các quốc gia chính thức tham gia bao gồm Đức, Na Uy và Paraguay. Liên minh sẽ có một đại diện có trụ sở tại Ngân hàng Thế giới ở Washington, Mỹ và sẽ làm việc với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cùng nhiều tổ chức khác.
Về đánh thuế tài sản đối với giới siêu giàu, do Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad đứng đầu, với đề xuất mức thuế 2% đối với các tỷ phú toàn cầu. Nhà kinh tế học người Pháp Gabriel Zucman đã phác thảo một mô hình thuế lũy tiến ban đầu, sẽ áp dụng cho khoảng 3.000 cá nhân có tài sản vượt quá 1 tỷ USD - được phân bổ dưới các tài sản như bất động sản, cổ phiếu và quyền sở hữu doanh nghiệp... Việc áp dụng mức thuế tối thiểu đối với những người siêu giàu được đánh giá là một sáng kiến nhằm giảm tình trạng trốn thuế quốc tế, trong đó các tỷ phú và công ty lợi dụng “các vùng xám” trong hệ thống tài chính để tránh thực hiện các nghĩa vụ pháp lý, chẳng hạn như các tổ chức tài chính nước ngoài. Qua đó, giúp thu hẹp bất bình đẳng về thuế.
Các cuộc thảo luận về quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ được diễn ra vào sáng ngày 19.11. Đại sứ Maurício Lyrio cho biết, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu chưa từng có và các quốc gia G20, đại diện cho phần lớn lượng khí thải carbon, sẽ thảo luận về các chiến lược thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu xanh hơn và bền vững hơn. Với Brazil, quốc gia tự định vị mình là nước đi đầu về các vấn đề môi trường trong chương trình nghị sự toàn cầu, ủng hộ một cách tiếp cận có tính đến thực tế tại địa phương và khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng sạch.
Brazil cũng đã thu hút sự chú ý chưa từng có đối với các vấn đề bất bình đẳng về giới và chủng tộc trong G20. Lần đầu tiên, một nhóm làm việc được thành lập để thảo luận về trao quyền cho phụ nữ, với tuyên bố kết quả bao gồm các chủ đề như bất bình đẳng tiền lương. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn liệu vấn đề này có được đưa vào tuyên bố cuối cùng hay không, vì chủ đề này vẫn đang đối mặt với sự phản đối của một số quốc gia.
Theo kế hoạch, Nam Phi sẽ đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào ngày 1.12 tới và tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào năm 2025. Bộ trưởng Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi Ronald Lamola cho biết, Nam Phi sẽ tận dụng cơ hội này để phát huy những nỗ lực và thành công của các nước chủ tịch G20, trong đó có Indonesia, Ấn Độ và Brazil; cũng như ủng hộ các vấn đề phát triển và ưu tiên các mối quan tâm của những nước châu Phi và đang phát triển trong G20.
Bước ra khỏi lối mòn
Cộng đồng quốc tế kỳ vọng không chỉ là một tuyên bố chung mà còn là việc các quốc gia G20 cùng nhau hành động. G20 đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bằng cách phối hợp những chính sách vĩ mô giữa các thành viên. Tuy nhiên, kể từ đó, tổ chức này chưa thể thực sự trở thành “người dẫn dắt” có khả năng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cải cách hệ thống quản trị kinh tế thế giới và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển trong G20 cần làm gương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó chủ nghĩa bảo hộ là một trong những rào cản lớn nhất, ảnh hưởng tới cả đầu tư và thương mại.
Các chuyên gia nhận định, hợp tác trong G20 cần được thúc đẩy theo tinh thần "ngồi chung một con thuyền", đặc biệt trong những vấn đề quan trọng như giảm thiểu biến đổi khí hậu, cải cách các tổ chức tài chính quốc tế. Các tuyên bố chung sau mỗi hội nghị thượng đỉnh cho thấy, G20 có tham vọng trở thành một tổ chức toàn cầu, có thể giải quyết nhiều vấn đề, từ bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới đến hoàn thiện hệ thống tài chính quốc tế, giải quyết an ninh lương thực và năng lượng, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2030.
Tuy nhiên, không dễ để giải quyết tất cả các vấn đề toàn cầu. Vì vậy, hợp tác cần được ưu tiên, tất cả các quốc gia cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ rõ, G20 cần nhận thức rõ tầm quan trọng của thể chế hóa. Hợp tác giữa các quốc gia có hai hình thức: Phi thể chế hóa và thể chế hóa. Phi thể chế hóa ám chỉ sự hợp tác không có tổ chức chính thức, không có mục tiêu hay hiến chương rõ ràng, mặc dù các cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức định kỳ cùng các tuyên bố chung. Nếu thiếu một cơ chế thể chế hóa rõ ràng, chức năng của G20 chỉ dừng lại ở việc thảo luận, cho phép các nhà lãnh đạo phát biểu qua những văn bản không có tính ràng buộc.
Các Hội nghị thượng đỉnh G20 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng, nhưng để thực sự phát huy vai trò và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế cần phải hành động nhiều hơn nữa. Các nước G20 cũng cần tập trung vào những ưu tiên thực sự, củng cố hợp tác và tiến tới thể chế hóa để trở thành một lực lượng có thể thực thi các cam kết toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Rio de Janeiro được kỳ vọng, các nước G20 sẽ hành động thay vì chỉ cam kết.